Hoảng loạn tìm con trong cơn nghiện game Mời tham gia diễn đàn "cai nghiện game"
Nghiện game, nghiện mạng xã hội đang là căn bệnh trầm kha của giới trẻ. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và việc học, nghiện ngập những thú vui này còn khiến giới trẻ có những hành vi sai lệch, thậm chí gây án mạng vì có xu hướng làm theo nhân vật trên game, trên mạng xã hội.
Nhân chia sẻ của một phụ huynh có con nghiện game, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Làm sao cai nghiện game cho con? Mời bạn đọc chia sẻ câu những câu chuyện về tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội trong giới trẻ, các giải pháp hiệu quả giúp con em mình cai nghiện.
Địa chỉ nhận bài: [email protected] (ghi rõ thông tin cá nhân và số tài khoản ngân hàng). Các bài viết được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút.
Gia đình tôi quê gốc ở miền Bắc, vào Bình Phước sinh sống và lập nghiệp từ năm 1988. Chồng làm chăn nuôi, tôi bán tạp hóa, công việc bộn bề nuôi 5 con nhỏ. N.Đ.H là con trai giữa và cũng là cháu đích tôn của ông bà nội, năm nay 16 tuổi.
Hai vợ chồng tôi suốt ngày quẩn quanh công việc nên cũng ít thời gian quan tâm con. Hơn nữa nghĩ con đã lớn,có thể tự lập được nên cũng chủ quan phần nào. H. tự học, tự đến trường.
Đợt dịch COVID-19 kéo dài, học sinh phải học trực tuyến nên cháu tự do sử dụng máy tính và điện thoại. Thấy con vẫn tham gia học hằng ngày, tôi cũng không lo lắng gì. Một hôm kiểm tra đột xuất, tôi thấy loa vẫn phát tiếng thầy cô đang giảng dạy nhưng trên màn hình, cháu lại chơi game. Tiếp tục nhiều lần sau đó, tôi phát hiện con đã nghiện game từ lúc nào.
Hết dịch, đi học tập trung trở lại, con vẫn mê game và bắt đầu có những biểu hiện mất tập trung, học hành sa sút. Từ một cậu bé hiền lành, hay thủ thỉ với mẹ và các chị em trong gia đình, giúp công việc nhà, con trai tôi thay đổi dần. Con trở nên gắt gỏng, mắt lúc nào đờ đẫn, ai nói động đến là trợn lên sòng sọc và gần như không kiểm soát được hành vi, lời nói nữa.
Con cả ngày ở suốt trong phòng, khóa cửa chơi game, không giao tiếp với ai. Giờ cơm gọi ăn, con cũng bảo ăn sau, không ra cùng. Ông bà nội ở miền Bắc gọi vào hỏi thăm, con cũng không nói chuyện. Khi bị ép phải giao tiếp, H. trả lời cho có, mỗi lời con thốt lên là những tiếng nhát gừng, vô lễ, nạt nộ.
Thấy không thể để con chìm dần vào cơn mê game, tôi cùng chồng đã có nhiều biện pháp răn đe. Nhưng càng la con, con càng cáu gắt, thậm chí phản kháng lại. Mỗi lần bị rầy la, H. đóng cửa phòng, đeo tai nghe, mở nhạc để lấn át lời ba mẹ.
Chuyện học hành con cũng không thiết tha gì. Qua được năm lớp 9, vào lớp 10, H. càng ngày càng bỏ bê việc học. Sáng đi học, buổi chiều ở nhà, H. chơi game suốt.
Chồng tôi tịch thu điện thoại, con vẫn tìm cách để lấy lại chơi game. Có khi không tìm được điện thoại, con đi học rồi theo bạn chơi game hết buổi chiều.
Nhiều hôm, sáng H. vẫn mặc đồng phục, mang cặp đi học, nhưng cô giáo báo con không đến lớp, bài vở để trống rất nhiều. Đợi con cả chiều để hỏi cho ra nhẽ, tôi vẫn không thấy con về. H. mê game, trốn học để đi chơi game với bạn biền biệt mấy ngày trời mà không hề báo tin cho gia đình.
Điện thoại thì tôi đang giữ, con lên lớp 10, trường học mới, bạn mới, không biết được con chơi với ai, nhà bạn ở đâu. Đã nhiều lần, tôi hoảng loạn tìm con trong đêm. Có lúc tôi phải nhờ đến giang hồ cộm cán trong vùng, hoặc cầu cứu công an để theo dõi tung tích của con.
Không lẽ tôi sẽ mất đứa con nghiện game này?
Bất lực với đứa con trai mình từng tự hào là ngoan ngoãn, tôi tâm sự với chồng, báo cho ông bà Nội biết tình trạng của con. Nhưng càng cảm thấy áp lực hơn bởi ông bà nội cưng cháu, trách mắng vợ chồng tôi "có mỗi đứa cháu đích tôn mà quản không xong" và đòi đưa cháu về Bắc. Tôi khóc ròng giải thích: "Vợ chồng con bỏ công bỏ việc quản cháu mà còn không được, gửi về bố mẹ già yếu biết quản làm sao". Chồng tôi cũng bế tắc, chúng tôi tự trách mình vì đâu nên nỗi!
Không thể để game phá nát tương lai của con, chúng tôi phải cứu con! Tôi bàn với chồng thử nhiều cách. Cắt internet thì con tự đăng ký mạng để dùng. Tịch thu điện thoại thì con bỏ nhà đi. Gia đình liên hệ với nhà trường, với thầy cô giáo, mời thầy cô về nhà nói chuyện với con nhưng không hiệu quả. Sợ thầy cô xa cách, áp đặt, tôi lại nhờ đến bạn bè cùng lớp. Tôi đưa cháu đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn. Nhưng không ai có thể làm cho con thay đổi. Với con, giờ chỉ có game là quan trọng, không có mối quan tâm nào khác hấp dẫn và cuốn hút hơn. Có giam chân con ở nhà, ngăn không cho con cầm đến điện thoại hay đụng đến máy tính, thì tâm trí con cũng ở đâu đó, chỉ có game và game.
Game đã dẫn con tôi lạc lối, càng lúc càng xa gia đình. Game khiến vợ chồng tôi nặng nhẹ với nhau, ông bà Nội rầy rà ca cẩm. Tôi không hiểu phía sau màn hình điện thoại, sau những trò chơi nhấp nháy đó, thế lực nào đã khiến con tôi u mê đến vậy.
H. dường như không còn là con tôi nữa. Không lẽ tôi sẽ dần mất con thật sao? Xin ai đó hãy cứu con tôi, hãy chỉ tôi cách nào để lôi con tôi ra khỏi cơn nghiện game!
Theo N.T.C (Nld.com.vn)