Nữ sinh nghiện game có hành động gây sốc khi bị bố mẹ thu điện thoại
Đây là câu chuyện về trường hợp một nữ sinh nghiện game đã được ThS.BS Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP điều trị thành công.
Nữ sinh học lớp 9, thích chơi game đến mức quên ăn, quên ngủ. Khi bố mẹ phát hiện và tịch thu điện thoại, cắt mạng máy tính, nữ sinh đã phản ứng rất tiêu cực bằng cách đứng giữa nhà cởi hết sạch quần áo.
Theo lời kể của bố mẹ nữ sinh, sở dĩ cô bé làm như vậy là để bắt bố mẹ phải trả máy điện thoại, máy tính.
Khi thấy con có những hành động bất thường, bố mẹ nữ sinh đã đưa con đi khám và đưa tới trung tâm cai nghiện game.
Bác sĩ Bách là người tiếp nhận điều trị cho nữ sinh. Sau khi dùng thuốc điều chỉnh lại giấc ngủ sinh lý cho nữ sinh về bình thường, bác sĩ đã làm thêm các kỹ thuật chuyên sâu để điều trị bệnh. Sau 3 tháng cai nghiện game, nữ sinh đã trở lại với cuộc sống bình thường, không còn nghiện game nữa.
Một trường hợp nghiện game khác cũng được bác sĩ Bách đã cai nghiện thành công là trường hợp của cậu bé Trí học lớp 9. Trí mê chơi game, bỏ bê việc học tập, kết quả học của em ngày một sa sút.
Bố thu điện thoại, máy tính thì con đã đánh vật với bố để lấy điện thoại, đòi máy tính. Đỉnh điểm Trí đã nhảy từ tầng 2 xuống đất và bị gãy chân để đòi bằng được máy tính, điện thoại chơi game. Sau khi điều trị chấn thương ngoại khoa, Trí được đưa tới trung tâm cai nghiệm game và được bác sĩ Bách trực tiếp điều trị.
Sau 6 tháng cái nghiện, Trí đã khỏi bệnh và được gia đình đón về. Mẹ Trí đã nhắn tin cho bác sĩ Bách.
"Con về nhà rất vui vẻ, về tới nhà cất đồ đi chào hàng xóm. Con biết quan tâm tới mọi người hơn. Nói chuyện nhìn thẳng vào mắt người đang nói. Con không còn ôm điện thoại chơi game mà chỉ dùng để nhắn tin cho bạn bè, gọi điện cho cậu và bà ngoại… Khi mẹ nhắc để lấy lại điện thoại thì con lễ phép trả lại", mẹ Trí nhắn tin.
Theo bác sĩ Bách, khi thấy con chơi game nhiều, bố mẹ thường sẽ có những hành động cực đoan như: thu điện thoại, cắt internet. Tuy nhiên, bố mẹ phản ứng tiêu cực với con 1 thì con sẽ phản ứng lại gấp 10 lần. Và rất có thể sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc.
Nghiện game có hai cơ chế: nghiện phổ cập; nghiện sâu. Đối với nghiện phổ cập ngày nào trẻ cũng phải chơi game 15 phút, 20 phút, 1 tiếng. Tuy nhiên, việc chơi game này không ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ. Nghiện phổ cập có thể điều trị bằng cách can thiệp tâm lý nâng cao nhận thức cho trẻ. Trẻ sẽ tự nhận ra được những nguy hại khi chơi game quá nhiều.
Đối với trường hợp nghiện sâu, trẻ có thể có những hành động như bỏ học, tìm mọi cách để có thể chơi game. Trẻ nghiện game sâu sẽ dẫn tới những vấn đề về tâm thần, có thể xuất hiện nhưng ảo thức, loạn thần, hoang tưởng…
Do vậy, với những đứa trẻ nghiện game sâu cha mẹ bắt buộc phải đưa trẻ đi cai nghiện. Nếu con có loạn thần phải dùng thuốc để các con ngủ được.
"Việc đầu tiên khi cai nghiện game là tái tạo đúng giấc ngủ sinh lý. Trẻ ngủ được thì đầu óc mới minh mẫn. Nghiện game sâu không thể điều trị bằng việc tư vấn tâm lý mà cần phải có điều trị cai nghiện", bác sĩ Bách nói.
Bác sĩ Bách cũng lưu ý thêm rằng ranh giới giữa nghiện phổ cập và nghiện sâu rất mong manh. Do vậy cha mẹ cần phải dạy con biết quản lý thời gian khi giải trí. Ngoài ra, cha mẹ cần phải quan sát con thường xuyên, khi thấy con có những dấu hiệu bất thường thì cần đưa con đi khám sớm để cai nghiện game.
Theo Ngọc Minh (Phụ Nữ Số)