Video: Chuyên gia Nhật Bản tắm, gội đầu trên sông Tô Lịch
Trao đổi tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 13/8, ông Võ Tiến Hùng cho biết, thoát nước khu vực phía Tây và Đại lộ Thăng Long hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Đà, mực nước sông Đà hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ.
“Hiện nay với công suất bơm của hệ thống nhà máy nước ở Yên Nghĩa là không đủ. Do vậy trạm bơm Yên Sở vẫn phải gánh cho trạm bơm Yên Sở. Cho nên chỉ khi nước sông Nhuệ xuống thấp thì nước ở Đại lộ Thăng Long mới rút được.
Hay như ở Hoa Lâm (Long Biên), chỉ khi nào mực nước sông Cầu Bây rút xuống thấp thì khu vực Long Biên mới hết úng ngập”, ông Hùng lý giải về các trường hợp ngập 2 – 3 ngày sau mưa lớn vừa qua.
Ông Hùng cũng cho biết, về chế phẩm Redoxy-3C, thành phố đã công khai về việc thí điểm và triển khai. Tất cả đều mang lại kết quả tốt. Còn đối với công nghệ của JVE hiện nay đang thử nghiệm chưa có kết quả; về giá thành chưa công bố.
“Theo như Công ty JVE cho biết, đến ngày 17/9 công ty sẽ công bố chất lượng, còn giá thành chưa biết khi nào”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, quan điểm của thành phố Hà Nội là rất trân trọng các tổ chức triển khai thực hiện thí nghiệm.
“Hiện nay, chúng tôi được UBND thành phố giao tiếp khoảng 5 đoàn (từ 2018-2019) đề xuất nghiên cứu đánh giá thí điểm xử lý ô nhiễm ở trên sông, hồ và được thành phố tạo điều kiện tối đa.
Nhưng tất cả các kết quả đều chưa đạt yêu cầu. Còn về phía JVE, hiện nay vẫn đang thí điểm nên phải đợi kết quả đánh giá”, ông Hùng nói đồng thời cho biết thêm “Đương nhiên là công nghệ nào tốt và rẻ - càng rẻ thì thành phố sẽ lựa chọn. Tôi được biết quan điểm của thành phố là như vậy”.
Về việc cải thiện sông Tô Lịch, hiện nay thành phố cũng rất quan tâm đến việc tách nước thải và đưa về hệ thống nhà máy xử lý tại Yên Xá đang triển khai. Theo kế hoạch, khoảng 4 năm nữa thì dự án hoàn thành.
Song song với đó thành phố có nhiều giải pháp để cải thiện trước mắt ô nhiễm sông Tô Lịch.
Ví dụ như thành phố đồng ý cho công ty JVE thí điểm; hay giao cho Công ty thực hiện một số phương án trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng vào Hồ Tây rồi từ hồ Tây xả ra sông Tô Lịch.
Việc này Công ty đã tổ chức hội thảo với các nhà khoa học và được các chuyên gia đầu ngành đều đánh giá cao phương án này.
Theo ông Hùng, UBND thành phố Hà Nội đang giao các sở ngành nghiên cứu phương án đầu tư khoảng 150 tỷ đồng xây dựng trạm bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch.
Nếu được các sở ngành và UBND TP Hà Nội thông qua, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, thời gian xây dựng trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm chỉ trong vòng nửa năm là hoàn thành.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội tổng mức đầu tư cho dự án “hồi sinh” sông Tô Lịch này khoảng 150 tỷ đồng.
“Để cải tạo một cách bền vững hồ Tây và sông Tô Lịch thì phải có sự thay đổi nguồn nước, phải có nước ra-nước vào; sông thì phải có dòng chảy, hiện nay nguồn cung cấp nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch dồi dào nhất và thuận lợi nhất chỉ có sông Hồng. Kể cả sau này có hệ thống nhà máy xử lý nước ở Yên Xá thì vẫn phải bổ cập nguồn nước từ sông Hồng vào hồ Tây rồi dẫn ra sông Tô Lịch.
Việc này là tốt nhất, vừa cải thiện được nước cho hồ Tây vừa cải thiện được sông Tô Lịch. Dự án này đang được thành phố giao cho các sở thẩm định và thẩm tra. Nếu phương án được thống nhất thì thành phố sẽ phê duyệt”, ông Hùng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, thành phố thường xuyên tiếp các đoàn đến đề xuất thí điểm xử lý ô nhiễm với nhiều công nghệ khác nhau.
“Để đẩy nhanh được ô nhiễm các dòng sông thì chúng ta phải đẩy nhanh được hệ thống xử lý nước thải, tách nước mưa với nước thải, không cho nước thải chảy trực tiếp ra sông nữa.
Hiện nay Ban quản lý cấp thoát nước của thành phố đang thực hiện Dự án Nhà máy xử lý nước Yên Xá với công suất 220.000m3/s tại huyện Thanh Trì, trong đó có hệ thống cống bao chạy dọc hai bên sông Tô Lịch.
Khi dự án hoàn thành, toàn bộ hệ thống nước thải sẽ được dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá không cho chảy ra sông Tô Lịch nữa thì cơ bản chúng ta sẽ xử lý được ô nhiễm sông Tô Lịch”, ông Thắng nói.
Theo Trường Phong (Tiền Phong)