Tiết lộ thông tin hành khách có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt đến 7 năm tù giam.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với cơ quan để làm rõ, ngăn chặn tình trạng làm lộ thông tin khách hàng đi máy bay. Và sẽ có hướng xử lý hành chính, hình sự những đối tượng có hành vi mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép thông tin khách hàng đi máy bay.
Phạt tù cao nhất 7 năm
LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng thông tin mà khách hàng cung cấp cho hãng hàng không là thông tin cá nhân, riêng tư và phải được bảo mật. Việc sử dụng các thông tin này mà không được phép của chủ sở hữu là hành vi trái pháp luật. Tùy theo mức độ thiệt hại của chủ sở hữu thông tin mà có thể truy cứu trách nhiệm hành chính, dân sự hay hình sự cho việc sử dụng thông tin cá nhân trái phép này.
Theo LS Công, xuất phát từ quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… được quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 thì quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân và trở thành một nguyên tắc hiến định ở nước ta trong xu hướng bảo vệ quyền con người trên thế giới.
Đồng thời quy định này cũng được ghi nhận tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
LS Công khẳng định, để cụ thể hóa các quyền hiến định và thể hiện sự nghiêm khắc thì pháp luật hình sự đã điều chỉnh bằng tội danh quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự hiện hành tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó tức là xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.Gây hậu quả nghiêm trọng phạt tù cao nhất 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến hai 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
LS Công lưu ý thêm người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi sử dụng trái phép thông tin khách hàng đi máy bay qua mạng máy tính để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh này phải gây hậu quả nghiêm trọng đến dưới 200 triệu đồng, được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch 10/2012/ TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC.
Khách hàng có thể đòi bồi thường thiệt hại
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) đồng quan điểm trên và cho rằng theo khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 thì mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Theo khoản 4 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Còn theo điểm đ khoản 2 Điều 6 luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 126 luật Hàng không dân dụng 2006 (sửa đổi bổ sung 2014) thì “Doanh nghiệp kinh doanh hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính phải tuân thủ các nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
LS Chánh cho biết tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, theo LS Lê Thị Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM), khách hàng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự. “Xuất phát từ hành vi trái pháp luật của những đối tượng trên, nếu khách hàng có thiệt hại do hành vi trái pháp luật nêu trên gây ra thì có quyền được khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật về dân sự. Thiệt hại ở đây có thể là những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín và sức khỏe nếu có, được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…” và mức bồi thường sẽ căn mức thiệt hại trên thực tế xảy ra mà khách hàng phải tự chứng minh”, LS Trang cho biết.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Quy định pháp luật hiện hành đã có đầy đủ trong điều luật và cả hướng dẫn bằng Thông tin liên tịch của các ngành tư pháp nên vấn đề chỉ còn áp dụng và xử lý tương xứng, phù hợp pháp luật để vừa trừng phạt vừa mang tính răn đe, giáo dục chung cho toàn xã hội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. LS Nguyễn Thành Công |
Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)