Tại sao thông tin cá nhân của hành khách đi máy bay bị “lọt” ra ngoài? Ai bán, ai mua? Lần theo những mẩu tin nhắn, PV vén màn bí ẩn “chợ trời” mua bán thông tin hành khách nhằm trục lợi.
Một tin nhắn "rác" quảng cáo dịch vụ taxi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH. |
Tất cả các đối tác đều tôn trọng nguyên tắc kín, tuyệt mật, không để thông tin lọt ra ngoài Nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty VG |
Sân bay Nội Bài (Hà Nội) là nơi có tần suất "mua - bán" thông tin cá nhân của khách hàng rầm rộ nhất, tiếp đến là sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).
Tai xế Tùng kể lại việc lấy thông tin - Clip: Hoàng Lộc - Quang Thế |
Đấu giá... hành khách
Rạng sáng 20-9, vừa bước chân xuống sân bay Nội Bài sau chuyến bay muộn từ TP.HCM ra, ông Trần Hoàng Tùng (quê Thanh Hóa) lập tức nhận được một loạt cuộc gọi điện lẫn tin nhắn mời chào đặt xe về Hà Nội.
Bấm vào số máy 024.38551..., phía đầu dây bên kia là một giọng nam. Anh này nói: "Em là nhân viên tổng đài bên Nội Bài Connect (Công ty TNHH kết nối Nội Bài - PV), anh bay chuyến 23h45 của Vietjet đúng không? Tài xế sẽ đón anh lúc 1h45, anh vui lòng bật điện thoại".
Tiếp sau đó, ông Tùng liên tục nhận được các cuộc gọi "chốt" khách khiến ông hết sức bực bội.
Như cam kết, vừa bước ra khỏi nhà ga, ông Tùng được một tài xế tên Hoàng chạy ôtô loại 4 chỗ đến rước về Hà Nội.
Trên xe, Hoàng nói: "Nội Bài Connect bây giờ là mạnh nhất vì lấy được thông tin hành khách ngay khi vừa đặt vé". Theo Hoàng, 10 nhân viên của Connect trực 24/24 giờ chỉ để nhắn tin, gọi điện "chốt" khách".
Để "có chân" vận chuyển khách, Hoàng phải đặt cọc 1 triệu đồng "nhận lịch" thông qua một tài khoản. Từ đây, tài xế chỉ việc đăng nhập xem lịch và "đấu giá ngược" với hàng ngàn tài xế khác.
"Hình thức giống một đấu trường online, hoạt động 24/24 giờ để các tài xế tự vào "chặt chém" lẫn nhau. Ai trả giá rẻ nhất sẽ được "chốt" khách, công ty càng tăng doanh thu. Chuyến này công ty làm giá với các anh là 280.000 đồng, thực tế em chỉ nhận được 190.000 đồng" - Hoàng nói.
Ngoài việc lấy khách từ Nội Bài Connect, giới tài xế còn "kết nối" với hàng loạt kênh thông tin khác nhau, nhưng sôi động nhất vẫn là các phòng vé thông qua tài khoản Zalo.
"Các phòng vé phần lớn là cấp 1, một ngày cung cấp khoảng 200 lịch chia cho khoảng 30 đầu xe thông qua mạng Zalo. Nếu nhận lịch, tài xế phải "cắt" 15% số tiền thu được. Tham gia nhóm tài xế phải đặt cọc nhưng không cần đấu giá, "chốt" chuyến nào trừ tiền chuyến đó vào tiền đặt cọc" - Hoàng nói.
Xe của dịch vụ Kết Nối đón khách tại sân bay Nội Bài theo thông tin được cung cấp - Ảnh: H.LỘC - Q.THẾ |
Dịch vụ như nấm sau mưa
Truy cập tài khoản mà Nội Bài Connect cung cấp cho một tài xế tên Tùng (quê Bắc Giang), ngay lập tức hiện lên hàng trăm thông tin số hiệu chuyến bay của khách trên các hãng Vietnam Airlines và Vietjet.
Theo Tùng, từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5-2017, số tiền thu được hiển thị trên điện thoại là gần 90 triệu đồng.
"Chỉ cần móc nối với người trong phòng vé, khi khách đặt vé là phòng vé "bắn" thông tin, công ty chỉ việc nhắn tin, gọi điện "chốt" khách rồi chuyển cho tài xế. Chỉ cần 30 khách đi trong số 100 khách nhận được tin nhắn là thành công rồi".
Nhiều ngày tìm hiểu việc mua bán thông tin hành khách, chúng tôi tiếp cận được ông Khánh, tài xế sử dụng dịch vụ của Công ty VG (đóng ở Hà Nội).
Theo ông Khánh, tài xế muốn đăng ký phải tạo một tài khoản, nộp phí 300.000-500.000 đồng, khi "chốt" khách thì phía VG tự động trừ tiền.
Ông Khánh tiết lộ trong hai tháng 7 và 8, ông nhận được 55 thông tin hành khách bay các hãng Vietnam Airlines và Vietjet.
"Tên, số điện thoại, mã chuyến bay, giờ hạ cánh của hành khách đều được "sô" lên mạng, tài xế thỏa sức vào tìm để "chốt" khách" - ông Khánh nói.
Lần theo một số tổng đài có trong các tin nhắn "giội bom" hành khách thời gian qua như 19006..., 01239.22.6... và 02435666... chúng tôi được nhiều nhân viên tổng đài xác nhận lần lượt của Công ty TNHH Gosanbay (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty TNHH Nội Bài Happy Car (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) và Taxi Group (đội xe thuộc Nội Bài Connect).
"Hợp tác" tuyệt mật với nhiều phòng vé
Dù trong giấy đăng ký kinh doanh Nội Bài Connect có trụ sở tại 352 đường Bưởi (Q.Ba Đình, Hà Nội), tuy vậy trên thực tế đại bản doanh lại đặt ở tầng 1 số 45 (đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) - tiệm bán bánh pizza.
Trang, nhân viên Nội Bài Connect, cho biết hiện công ty đang "quản lý" khoảng 2.000 xe đón tiễn và đang thực hiện chương trình "Liên kết phòng vé chia sẻ doanh thu".
Cụ thể, khi có danh sách hành khách, các phòng vé chỉ cần đẩy danh sách (tên, điện thoại) đó lên tài khoản và công ty sẽ chủ động nhắn tin, gọi điện cho khách.
Nhân viên này còn dẫn chứng giá "chốt" khách đi từ Hà Nội - Nội Bài là 200.000 đồng, xe cổ phần (xe ngoài) nhận giá chỉ 120.000 đồng, tức dư 80.000 đồng. Số tiền này, công ty và phòng vé chia đôi lợi nhuận.
Còn theo một nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty VG thì "tất cả các đối tác đều tôn trọng nguyên tắc kín, tuyệt mật, không để thông tin lọt ra ngoài".
Theo điều tra, mỗi một thông tin khách hàng, các phòng vé "ăn nhiều lần" khi bán cho nhiều công ty kinh doanh dịch vụ vận chuyển.
Điều này lý giải tại sao hành khách cùng lúc nhận được nhiều thông tin chèo kéo, mời chào từ nhiều số điện thoại khác nhau.
Không chỉ vậy, nếu gặp khách hàng "khó nuốt" (lợi nhuận thấp, đi xa, đêm khuya...), các công ty này tiếp tục "bán sống" hành khách bằng cách tung thông tin lên các diễn đàn, group trên Facebook hoặc Zalo... để các nhóm tài xế "đấu giá".
Để có được nguồn thông tin hành khách, các công ty vận chuyển thường cử đội ngũ kinh doanh đến trực tiếp các phòng vé chào mời.
Ngoài việc kiêm luôn dịch vụ đặt xe, một số phòng vé chọn cách "mua đứt bán đoạn" thông tin khách cho các nhà xe để họ tự "giải quyết".
Theo C. - nhân viên phòng vé SM (Hà Nội), có rất nhiều công ty dịch vụ đưa rước "đặt vấn đề" hợp tác cung cấp danh sách hành khách, không thể tiết lộ giá cả. Cũng theo C., "tùy theo đơn vị nào báo giá cao hơn thì phòng vé sẽ hợp tác, cứ một tuần thanh toán chuyển khoản một lần".
Tai xế Hoàng kể lại việc lấy thông tin từ phòng vé - Clip: Hoàng Lộc - Quang Thế |
Thích nhất hành khách bị delay Trong khi nhiều hành khách khổ sở vì bị delay (chậm chuyến), cánh tài xế chạy các dịch vụ "kết nối" lại hả hê vì trúng mánh. Theo tài xế Hoàng, việc liên kết trực tiếp với các phòng vé máy bay ngoài việc không bị ăn chặn, tài xế còn được tính thêm tiền chờ khách. Cụ thể, khách đi sau 23h phải trả thêm 50.000 đồng/chuyến. Ngoài ra, nếu khách đặt xe trễ 30 phút phải trả thêm 20.000 đồng. Khách càng delay lâu, tài xế càng được thêm tiền. Theo tài xế Hoàng, hiện nay rất nhiều phòng vé máy bay làm ăn theo kiểu thu tiền của tài xế để "bắn lịch" (bán thông tin khách hàng). Điển hình như phòng vé NK (Q.Long Biên, Hà Nội) mang tiếng là phòng vé nhưng không bán vé, mà chủ yếu đi gom danh sách. "Mọi giao dịch từ cung cấp thông tin, chuyển tiền đều qua mạng. Những phòng vé bán thông tin hành khách hoạt động kín kẽ, thường không đề tên đại lý nên rất ít khi bị phát hiện. Họ chỉ cần ngồi "bắn lịch" mỗi ngày là thu bộn tiền" - tài xế này tiết lộ. |
Theo Hoàng Lộc - Quang Thế (Tuổi Trẻ)