681 NHÂN SỰ, TRONG ĐÓ 40 LÁI TÀU VẬN HÀNH ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH - HÀ ĐÔNG
Ngày 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã bỏ phiếu chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.
Về nhân sự, theo đại diện trong tháng 12/2020, khi dự án vận hành thử toàn bộ hệ thống, các nhân sự của công ty trực tiếp vận hành.
Sau đó, tiếp tục vận hành 4 tháng đầu năm 2021, đến gần giữa tháng 4/2021 mới tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phục vụ làm thủ tục hồ sơ để bàn giao.
Lãnh đạo Công ty cũng thông tin, đội ngũ nhân sự của công ty đã được đào tạo, thực hành trên tuyến, sẵn sàng vận hành khai thác, vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Các lái tàu đã được cấp giấy phép, các chức danh vị trí công việc khác thuộc thẩm quyền công ty cấp chứng chỉ chuyên môn đã được nhà thầu, trường Cao đẳng đường sắt chứng nhận chuyên môn. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Về nhân sự cụ thể, đại diện Metro Hà Nội thông tin, theo mô hình định biên dự án sẽ có 681 người làm việc, trong đó 651 người được đào tạo bổ sung với 112 chức danh, vị trí công việc.
Trong số 681 nhân lực, có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trên tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Về lái tàu, sẽ có 40 người. Các lái tàu này được đào tạo ở Trung Quốc 1 năm với 6 tháng học lý thuyết và 6 tháng học thực hành trên các tuyến đường sắt đô thị tại Bắc Kinh.
Đối với lương của lái tàu, theo lãnh đạo Metro Hà Nội không thông tin cụ thể nhưng cho hay, do lái tàu Cát Linh - Hà Đông là lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng.
"Đây chỉ là bảng lương được xây dựng cho lái tàu chứ không phải các nhân sự khác tham gia vận hành dự án này", đại diện Metro Hà Nội thông tin.
Cũng theo đại diện Công ty, khi dự án đưa vào khai thác thương mại tới đây sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm vì đây là lần đầu tiên người dân được sử dụng phương tiện này.
Theo phương án mới được đưa ra, tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) sẽ hoạt động từ 5h đến 23h (phương án trước đó là từ 5h đến 22h).
Qua tính toán, đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ. Như vậy, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo thiết kế kỹ thuật được Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT (chủ đầu tư) báo cáo, tuyến đường sắt đô thị 2A có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.
Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.
GIÁ VÉ ĐI TÀU CÁT LINH - HÀ ĐÔNG
Liên quan đến giá vé của tuyến, đại diện Metro Hà Nội cho hay, HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.
Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường).
Vé ngày 30.000 đồng/vé. Loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong 1 ngày.
Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi ki lô mét tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.
Đề cập năng lực vận chuyển hành khách của xe buýt hoạt động trên dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, hiện trên tuyến có 51 tuyến buýt, chiếm gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng buýt Hà Nội.
Riêng tại khu vực ga Yên Nghĩa (ga cuối tuyến), hiện tại xe buýt đang vận chuyển được 14.072 hành khách/giờ; tại ga Cát Linh (ga đầu tuyến) xe buýt đang vận chuyển được 6.180 lượt hành khách/giờ.
"Tính trung bình năng lực vận chuyển của buýt ở thời điểm hiện tại đang vượt năng lực vận chuyển khách của tuyến đường sắt 2A", đại diện Sở GTVT thông tin.
Tuy nhiên, khi tuyến đường sắt 2A đi vào hoạt động, để tránh trùng tuyến, lặp tuyến và phát huy năng lực của cả hình thức vận tải hành khách công cộng, với vai trò là đơn vị tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt 2A, TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT xây dựng phương án điều chỉnh để kết nối xe buýt với đường sắt đô thị cho phù hợp, hiệu quả.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)