Sinh năm 1990, năm nay đã 27 tuổi nhưng chị Đỗ Thị Dung (Đại Từ, Thái Nguyên) chỉ trông như một đứa trẻ lên 2 vì mắc căn bệnh hiếm gặp…
Bà Trần Thị Nguyễn (SN 1952), mẹ Dung nghẹn ngào cho biết, 27 năm qua cả thể xác và tâm hồn của Dung chỉ như một đứa trẻ. Dung cũng thích nũng nịu đòi đồ chơi mới, vui vẻ khi được mua quần áo đẹp. Có điều, Dung rất ít nói, cười và hiếm khi biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt.
Theo đó, Dung là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh chị em. Khi chào đời, cô nặng 2,5kg và vô cùng kháu khỉnh, xinh đẹp. Trong 6 tháng đầu đời, Dung phát triển hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác thế nhưng, bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi, Dung bị sốt, người nổi hạch từ đó sức khỏe không tốt, cơ thể cũng không phát triển nữa.
Bà Nguyễn nhớ lại: “Năm đó, khi con sốt nhưng do chủ quan, tôi vẫn đưa con lên tiêm phòng lao ở trạm y tế xã. Sau khi tiêm phòng xong, Dung bị nổi hạch rất to ở nách. Sau đó hơn 1 năm thì hạch vỡ gây sưng, viêm. Kể từ đó, sức khỏe của Dung chuyển biến xấu, con đau ốm thường xuyên và thân hình nhỏ bé, nuôi mãi không lớn”.
Dù đã 27 tuổi những chị Dung chỉ trông như một đứa trẻ lên 2. Trong ảnh là Dung với người cháu ruột năm nay 9 tháng tuổi. Ảnh: Minh Anh |
Lo lắng cho con, gia đình bà Nguyễn cũng gom góp, vay mượn tiền đưa Dung đi khám, chạy chữa ở các bệnh viện nhưng do kinh tế khó khăn nên bệnh không được điều trị dứt điểm.
“Lúc đó, các bác sỹ ở huyện cũng không biết nguyên nhân cụ thể là gì, khuyên gia đình đưa con lên các viện tuyến trên. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhà đông con, kinh tế gia đình phải chạy ăn từng bữa, nên tôi cũng không có điều kiện đưa con đi khám. Thương con, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, phó mặc cho số phận”, bà Nguyễn chia sẻ.
Theo bà Nguyễn, Dung cũng thích nũng nịu đòi đồ chơi mới, vui vẻ khi được mua quần áo đẹp. Ảnh: Minh Anh |
Mãi đến khi Dung 19 tuổi, gia đình bà Nguyễn mới đưa con đi khám lại thì các bác sỹ kết luận Dung bị não úng thủy. Muốn chữa trị phải đưa sang nước ngoài với chi phí lên tới hàng trăm triệu. Cũng giống như lần trước, dù thương con nhưng số tiền quá lớn, bà Nguyễn đành lặng lẽ ôm còn về nhà chăm sóc.
Mặc dù thân hình chỉ như một đứa trẻ lên 2 nhưng theo bà Nguyễn, Dung rất ít khi ốm, sức ăn cũng tốt. Trước đây, mỗi bữa con có thể ăn được hai bát cơm và hầu như chưa bao giờ phải dùng đến một viên thuốc. “Gia đình tôi ăn gì thì cháu ăn nấy. Đôi khi Dung cũng yêu cầu và đòi ăn món mình thích. Ngoài ăn cơm ngày 3 bữa, tôi thường cho con thêm tiền để mua quà bánh, bim bim”, bà Nguyễn kể.
Dung hiếm khi ra khỏi nhà, hàng ngày cô chỉ quanh quẩn làm bạn với những món đồ chơi của mình. Ảnh: Minh Anh. |
Bà Nguyễn bên cháu ruột và người con gái 27 tuổi. Ảnh: Minh Anh |
Bà Nguyễn cũng cho hay, năm 10 tuổi Dung mới biết đi và bập bẹ nói những câu đầu tiên. Tuy nhiên, tiếng nói của Dung rất khó khe và hầu như chỉ nói được những từ đơn giản. Trong gia đình, cô thân thiết nhất với người em thứ 4 là Đỗ Thị Thơm.
Tuy nhiên, từ khi Thơm lấy chồng, Dung gần như không nói chuyện với ai, hàng ngày chỉ ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, chơi với mấy món đồ chơi yêu thích. 27 năm qua, Dung chưa bao giờ cất tiếng gọi mẹ, cô cũng hiếm khi biểu lộ cảm xúc trên mặt.
Dung rất ít khi nói chuyện với mọi người |
Duy nhất có một lần, cách đây gần 2 năm khi người bố qua đời, Dung mới cất tiếng gọi: “Bố ơi, dậy đi”. Kể từ đó trở đi, Dung cũng chưa mở lời nói chuyện lại với ai. “Từ bé đến giờ, con chỉ thỉnh thoảng nói những từ ngắn nhưng nghe cũng rất khó hiểu. Đôi khi thời gian rảnh, tôi gần gũi, ôm con trò chuyện nhưng con bé chỉ ngẩng lên nhìn rồi lại cúi mặt xuống. Điều lạ là, dù không nói nhưng Dung hiểu hết nội dung mà mọi người trò chuyện”, bà Nguyễn nói.
Được biết, sau Dung còn có một người em là Đỗ Duy Thiệp năm nay đã 11 tuổi nhưng thân hình cũng còm cõi, nhỏ bé như đứa trẻ lên 5. Bà Nguyễn cho biết, gia đình đã đưa con đi khám nhưng các bác sỹ chỉ kết luận con bị suy dinh dưỡng chứ không phải mắc bệnh giống chị.
Dù vậy, bao năm qua, Thiệp cũng không phát triển nhiều, thân hình còm cõi, nhìn ai cũng xót xa. “Tôi cũng mong có tiền để đưa con đi khám ở những bệnh viện lớn, có điều nhà nghèo, kinh tế khó khăn nên mong mỏi cũng chưa biết đến bao giờ thực hiện được”, bà Nguyễn cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phượng, Trưởng xóm Đồng Cả, đội 5, thị trấn Hùng Sơn cho biết, gia đình bà Nguyễn thuộc diện hộ nghèo của xóm. Chồng mất cách đây gần 2 năm trong một vụ tai nạn. Bà Nguyễn sinh được 5 người con thì một người cứ mãi như trẻ nhỏ, một bé học cấp hai mà chỉ bằng trẻ mẫu giáo.
Chính vì thê, gánh nặng kinh tế đổ lên vai người mẹ. “Hàng xóm thỉnh thoảng cũng quyên góp, giúp đỡ gia đình bà Nguyễn. Tuy nhiên, do gia đình ai cũng khó khăn, phải lo toan cuộc sống nên cũng không đỡ đần được nhiều”, ông Phượng nói.
Theo Hà Trang - Minh Anh (Dân Trí)