Thông tin trên được chia sẻ trong sáng 29/3 trong Hội thảo Định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ ở.
Trong đó, chú trọng tăng cường các bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về trạm y tế. Hiện, TP.HCM chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỷ lệ này là quá thấp. Ông Thượng cho rằng nên có quy định bắt buộc các bác sĩ đa khoa phải luân phiên tại y tế cơ sở trong một thời gian.
“Tại sao có quy định bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không bắt buộc bác sĩ phải đi y tế cơ sở? Nếu có quy định này thì y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Ngoài ra, theo ông Thượng, cần sớm mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế, danh mục này phải tương đương với bệnh viện tuyến huyện, không nên có suy nghĩ bác sĩ ở trạm kém nên không mở rộng thuốc; cần phát triển rộng khắp mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng bởi đây là lực lượng sẽ theo dõi sát nhất các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Cũng tại hội nghị, bác sĩ Đoàn Minh Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhiều năm qua, đơn vị này gặp khó khăn khi cơ sở vật chất xuống cấp, nhỏ hẹp, không đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu người dân.
Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, nhân lực cũng là một điểm yếu của đơn vị. Theo đó, dù 16/16 trạm y tế xã thuộc huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đều có bác sĩ nhưng số lượng này “không bền vững”, không tuyển được bác sĩ thay nhân sự đã nghỉ hưu.
Trong 10 năm qua, nơi đây chỉ tuyển được 3 bác sĩ đào tạo chính quy từ nơi khác về trạm, chủ yếu là người về địa phương lập gia đình, sinh sống. Số bác sĩ còn lại thay thế nhân sự nghỉ hưu là từ nguồn đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, hoặc từ y sĩ lên bác sĩ. Thậm chí, một số người có nguyện vọng nghỉ việc, chuyển đi nơi khác nhưng chưa được giải quyết.
Theo ông Cương, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ, chính sách đối với bác sĩ tuyến y tế cơ sở rất thấp. Ví dụ, riêng việc trực của nhân viên y tế cũng nhiều ý kiến, bức xúc.
“Nhân viên y tế muốn nếu trực 8 tiếng thì trả cho anh em 8 tiếng và cho anh em nghỉ bù. Nhưng nếu cho anh em nghỉ bù sẽ không có người trực”, ông nói.
Bên cạnh đó, với đặc thù khám chữa bệnh BHYT chiếm 90-92%, Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà rất khó đảm bảo nguồn chi với cơ cấu giá hiện nay. Về y tế dự phòng, chưa có quy định định mức về giá dịch vụ về dự phòng nên gặp tình trạng có tiền nhưng không chi được.
Bác sĩ Cương kiến nghị cần có chính sách rõ ràng, minh bạch cũng như đảm bảo điều kiện làm việc, cơ sở vật chất trang thiết bị, chế độ chính sách để người lao động an tâm ở lại với y tế cơ sở.
Tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, như tốc độ già hóa dân số nhanh, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng trong cộng đồng, dịch bệnh mới…
Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã giao Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới". Bộ Y tế đang xây dựng đề cương, tổng hợp báo cáo, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y tế cơ sở để hoàn thiện Đề án, trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023.
Theo Linh Giao (VietNamNet)