Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định bầu hộ, bầu thay là vi phạm pháp luật - Ảnh: L.K |
Cuộc họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tổ chức chiều nay (20-5) tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn.
Ông Phúc cho biết cuộc bầu cử lần này có tổng số 69.265.810 cử tri được niêm yết danh sách và cấp thẻ cử tri, cả nước có 91.476 tổ bầu cử.
Từ sau ngày 2-5, các địa phương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong không khí dân chủ, cởi mở, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử. Không có sự phân biệt, khoảng cách giữa những người có chức, có quyền với người không đảm nhiệm chức vụ hoặc người tự ứng cử. Thời gian vận động bầu cử sẽ kết thúc trước 7 giờ ngày 21-5.
Vẫn theo ông Phúc, bước vào giai đoạn này, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử được hết sức chú trọng. Càng gần đến ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các phương án, tăng cường bảo đảm công tác an ninh, trật tự, an toàn cho ngày bầu cử. Các cơ quan được giao nhiệm vụ đã triển khai lực lượng nắm địa bàn, theo sát tình hình ở địa phương; thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ nêu tình trạng các nhà mạng di động chặn tin nhắn có từ "bầu cử", gây khó khăn cho việc trao đổi thông tin bình thường của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi chưa có thông tin về việc các nhà mạng chặn tin nhắn, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay sau đây”.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời tại cuộc họp báo - Ảnh: L.K |
“Ủy ban Bầu cử TP.HCM có sáng kiến nhắn tin với nội dung văn minh, lịch sự để vận động cử tri đi bầu cử, nhưng với điều kiện tin nhắn có từ “bầu cử” bị chặn như hiện nay thì sáng kiến này có khả thi không?” - phóng viên báo điện tử VietNamNet đặt câu hỏi. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: “Hội đồng bầu cử quốc gia chưa nhận được đề nghị về sáng kiến này, nếu có sáng kiến như vậy thì chúng tôi sẽ đề nghị các nhà mạng hỗ trợ, làm sao để vận động, nhắc cử tri tích cực tham gia bầu cử”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ: “Xin ông cho biết hành vi bỏ phiếu thay người khác có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định hành vi bầu hộ, bầu thay là không đúng pháp luật. “Tùy theo mức độ, chúng ta có xử lý khác nhau. Chúng tôi mong muốn các phóng viên tuyên truyền để người dân hiểu vấn đề này, đây là quyền và nghĩa vụ của công dân” - ông Phúc nói.
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)