Khủng hoảng trượt đại học: Một năm trời, chỉ gặp bố mẹ vào lúc ăn cơm

10/08/2018 08:20:32

Hậu công bố điểm chuẩn, sẽ có niềm vui nhưng cũng sẽ có những nỗi buồn với cú sốc mang tên: Trượt đại học

Khủng hoảng trượt đại học: Một năm trời, chỉ gặp bố mẹ vào lúc ăn cơm
N.H.G đã có 1 năm rơi vào khủng hoảng sau cú sốc trượt đại học.

Ngày 6.8, 150 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã công bố mức điểm chuẩn đầu vào. Sau những trạng thái hồi hộp, lo lắng chờ trường đại học mơ ước công bố điểm là những mừng vui, nhưng cũng có thể là thất vọng, khủng hoảng. 

Một năm tựa như địa ngục

N.H.G (Quảng Bình), hiện là sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã, đã chia sẻ việc em phải trải qua 1 năm khủng hoảng sau khi trượt đại học năm đầu dự thi như thế nào. Năm 2014, G đăng ký thi vào trường khối ngành Công an. Dù biết trường này lấy điểm khá cao nhưng vì bản thân và gia đình mong muốn nên em vẫn quyết tâm thi vào trường.

G chia sẻ, khi xem điểm thi và biết trượt đại học, bố mẹ không nói nhiều nhưng thể hiện sự thất vọng và tức giận. “Suốt 1 năm ôn thi lại sau đó, em co mình lại, không muốn nói chuyện với ai, tuyệt giao với thế giới bên ngoài” – G tâm sự.

Suốt một năm, G hầu như chỉ ngồi một chỗ, vì xấu hổ nên ngay cả bố mẹ, em cũng không muốn gặp, hầu như chỉ gặp vào lúc ăn cơm.

"Lúc đó, em chỉ muốn thi thật nhanh để thoát khỏi tình trạng ở nhà không biết làm gì. Khi đó, em cảm thấy mệt mỏi căng thẳng, stress đến mức trầm cảm".

G tâm sự, đó là 1 năm mà cả đời em không thể nào quên được, rất áp lực, cảm thấy như địa ngục và không bao giờ muốn quay lại thời gian đó.

Sợ thấy cảnh bạn bè khoe đỗ đạt

Cũng rơi vào trạng thái tương tự, nhớ lại kỳ thi 7 năm trước, N.H.T (Hà Nam), nay là nhân viên kế toán của một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, tâm sự, phút giây biết được điểm thi là lúc T thấy buồn, thất vọng về bản thân, xấu hổ với bố mẹ, bạn bè.

T chia sẻ, khi đó không biết kéo bản thân lên thế nào, cũng không có một chút định hướng nào cho tương lai, bởi khi ấy chỉ có ý nghĩ không đỗ đại học nghĩa là không có một con đường đi nào tốt cả.

“Tôi tự nhốt bản thân trong nhà, cũng không dám lên mạng xã hội vì sợ nhìn thấy bạn bè khoe kết quả đỗ. Tôi biết bố mẹ cũng rất buồn. Phải 2 tuần liền, khi bạn bè bắt đầu rục rịch chuẩn bị đi nhập học, tôi vẫn chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực và bi quan”, T. tâm sự.

Trượt đại học không biến bạn thành tội đồ

Nói về những trạng thái tâm lý sau cú sốc đầu đời mang tên “trượt đại học”, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, trượt đại học không biến các em học sinh thành tội đồ, giá trị của một con người không nằm ở kết quả của những kỳ thi.

Bà An phân tích, chúng ta chưa có định hướng tốt về việc không học đại học thì vẫn có thể học nghề, bởi tâm lý xã hội luôn cho rằng nếu không vào được đại học thì giống như một sự thất bại. Điều này ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý chung của cả xã hội, đến gia đình và bản thân mỗi em học sinh.

Phải khẳng định lại rằng, đại học không phải con đường duy nhất để phát triển một con người, nhưng làm thế nào để truyền tải suy nghĩ ấy đến học sinh, phụ huynh và toàn xã hội, điều này không thể làm ngày một ngày hai mà đó là chặng đường dài bởi tâm lý nặng nề từ rất lâu nay.

“Dù làm nghề nào nhưng chỉ cần là lao động chân chính, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, có đóng góp cho xã hội là một niềm tự hào.

Phải định hướng ngay từ phổ thông, để các em học sinh biết các em có năng lực về điều gì, đam mê về điều gì. Không nhất thiết vào đại học nhưng các em phải có nghề thì sẽ đạt được đỉnh cao của sự thành đạt. Sự thành đạt ở đây là sự cống hiến cho xã hội” - bà An nói.

Theo N.H (Lao Động)