Trao đổi với PV VietNamNet sáng 31/1, ông Lưu Văn Hiệu - Bí thư Đảng ủy xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, do các điều kiện liên quan tới công tác tổ chức lễ hội, UBND xã Hiền Quan quyết định chưa tổ chức lễ hội phết Hiền Quan như trước.
“Năm nay chúng tôi chỉ thực hiện phần lễ. Các cụ lớn tuổi trong làng rước, tế lễ ở sân đền và không có phần tranh phết”, ông Hiệu nói.
Trước Tết Nguyên đán, địa phương xây dựng phương án tổ chức đội đánh phết gồm 50 quân mỗi bên, đều là người trong làng, tuy nhiên nhận thấy an ninh chưa được đảm bảo.
“Chúng tôi đã tính toán, tiếp tục dừng cướp phết. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch để sang năm trình phương án tổ chức lễ hội phết có phần đánh phết”, ông Lưu Văn Hiệu cho biết.
Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) có văn bản lưu ý địa phương không đảm bảo an ninh, an toàn thì dừng lễ hội ngay lập tức. Vì vậy địa phương chỉ duy trì nghi thức tế lễ theo truyền thống.
Lãnh đạo xã Hiền Quan cho rằng, cái khó của lễ hội phết Hiền Quan so với các lễ hội có phần tranh cướp ở chỗ, lộc hoa tre (Hội Gióng), chiếu (lễ hội Đúc Bụt, cướp chiếu) không tranh cướp có thể chia nhỏ để phân phát cho người dân. Tuy nhiên, đối với lễ hội phết Hiền Quan, Ban tổ chức khó kiểm soát người làng và khách thập phương ùa xuống cánh đồng tranh cướp phết.
Hội phết Hiền Quan là một lễ hội của xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là ngày 13.
Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.
Lễ hội phết Hiền Quan gồm 4 phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh phết diễn ra ở đình Hiền Quan, nơi thờ Đức Ông Lý Mộc Trang thời Đinh và đền Hiền Quan, thờ Thiều Hoa thời Hai Bà Trưng.
Tại lễ rước kiệu, trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi (hay còn gọi là dúi) được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mùng 10/10 Âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống. Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ và lễ kéo quân. Cuối cùng sẽ là rước phết ra đồng để mọi người giành lấy.
Người dân quan niệm, nếu ai cướp, động được vào quả phết sẽ mang lại may mắn cả năm nên mục đánh phết (cướp phết) hàng năm tại xã Hiền Quan thu hút rất đông người tới tham dự.
Theo Bảo Khánh (VietNamNet)