Anh Nguyễn Tiến Quân (29 tuổi), người dân xã Hiền Quan chia sẻ: "Tôi rất buồn khi huyện dừng phần đánh phết, vì đây là phần ý nghĩa và được chờ đón nhất. Người ta cho rằng, đánh phết là bạo lực, nhưng tôi cho đó là tinh thần thượng võ.
Nếu hủy đánh phết thì 1-2 năm tới sẽ không ai còn biết đến lễ hội truyền thống cả nghìn năm này nữa".
Nhiều người dân xã Hiền Quan không biết thông tin dừng phần đánh phết, cho tới khi đến hội hôm qua mới giật mình và thất vọng.
Anh Lê (32 tuổi, người dân Hiền Quan) bày tỏ: "Hôm thứ 7 tôi bận việc nên không tham gia ngày đầu lễ hội, trong đầu vẫn đinh ninh là chủ nhật hội sẽ tổ chức đánh phết bình thường. Khi đến mới biết huyện yêu cầu dừng đánh phết, tôi thấy hụt hẫng".
Theo anh Lê, việc tham gia tranh cướp phết người dân xã Hiền Quan đều tuân thủ sự sắp xếp của ban tổ chức. Nhưng do lượng người tham gia lễ hội lên đến cả nghìn nên quá trình tranh cướp, du khách cũng lao vào gây cảnh hỗn loạn.
"Để tranh cướp phết, nhìn bề ngoài thì dễ hiểu nhầm là tranh cướp hỗn loạn, nhưng thật ra, từng đội chơi của các làng đã vạch các phương án, chiến thuật đánh phết. Đây là phần thi đồng đội nên rất bài bản, khoa học và an toàn chứ không ẩu đả như chúng ta vẫn nghĩ", anh Lê nói.
Nhiều người cao tuổi làm việc tại khu di tích đền Hiền Quan cũng phân tích nguyên nhân dẫn đến những hành vi phản cảm.
Đánh phết không phải là bạo lực?
Ông Nguyễn Quốc Thậm (85 tuổi), Phó ban di tích đền Hiền Quan khẳng định: "Đánh phết là đề cao tinh thần thượng võ, tiếp nối truyền thống ông cha ngày xưa, chứ không phải là bạo lực".
Theo ông, cả trăm năm nay tổ chức cướp phết nhưng chưa một ai chết khi tranh cướp.
"Tình trạng xé rào vào cướp phết số đông là người ở xã lân cận, chứ không phải riêng người dân xã Hiền Quan. Bây giờ chúng ta nên thay đổi cách tổ chức chứ không nên dừng đánh phết. Tuy nhiên, nếu huyện đã có văn bản dừng thì chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành", lời ông Thậm.
Tại hội phết chiều qua, có nhiều em nhỏ vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, liên tục hỏi phụ huynh rằng "có còn cướp phết hay không?". Nhiều người bỏ công vượt đường xa đến đây mà không được chứng kiến những màn tranh cướp phết gay cấn.
Chủ tịch UBND xã Hiền Quan Bùi Văn Thanh nêu khó khăn: "Cấp trên yêu cầu xã dừng phần đánh phết, tuy nhiên nhiều người dân, đặc biệt là những người cao tuổi muốn duy trì truyền thống lễ hội".
Ông Thanh cho rằng: Sau những năm đầu không quản lý số người cướp phết, 2 năm gần đây và đặc biệt là năm 2019, Ban tổ chức đã phân loại đội chơi, làm hàng rào và bố trí an ninh để ngăn dòng người vào tranh cướp hỗn loạn.
"Tuy nhiên, một phần do lực lượng an ninh quá mỏng, điều kiện sân đánh phết rộng, một phần do sự quá khích của nhiều thanh niên đã phá vỡ đi những nỗ lực của ban tổ chức lễ hội", ông Thanh chia sẻ.
Từng tổ chức rất nhiều mùa lễ hội Hiền Quan, ông Thanh cho biết lễ hội dù tranh cướp quyết liệt nhưng chưa có ai gặp nguy hiểm hay chết người khi tham gia tranh cướp, có một số trường hợp kiệt sức, xây xát ngoài da nhưng không đáng kể.
Hội phết Hiền Quan của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ được tổ chức ngày 12-13 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng.
Hội phết Hiền Quan gồm 4 phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, cướp phết. Trong đó, cướp phết là điểm chính.
Có 6 quả Phết và 3 quả Chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Theo quan niệm của người dân Hiền Quan, ném Chúi là để "trừ tai viễn tống", xua đi mọi rủi ro tật bệnh. Người dân quan niệm rằng nếu ai giành được quả Phết và Chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn.
Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)