Rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng
Bản tin tình hình dịch COVID-19 lúc 18h ngày 24/4 của Bộ Y tế phát đi cho thấy, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 270 người. Tuy nhiên, nếu tính theo số ca mắc mới trong cộng đồng, chúng ta không có thêm. Bởi cả 2 trường hợp mắc mới đều là du học sinh, từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 22/4 trên chuyến bay VN311. Ngay sau nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, họ được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng thuộc Bộ Y tế cho biết, các ổ dịch xuất hiện vừa qua (như Bệnh viện Bạch Mai, Sơn Lôi, Hạ Lôi hay bar Buddha), chúng ta đã phong tỏa quyết liệt và giải quyết được, những trường hợp nghi nhiễm đều không cho tiếp xúc với người lành, nên chúng ta khống chế được. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta không giải quyết được triệt để 100% do chúng ta mới chỉ giảm được một cách tối đa việc người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại. Điều đó có nghĩa là, chúng ta hạn chế được sư lây lan ở mức thấp nhất chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để.
"Vẫn có thể còn những người đang mang mầm bệnh "lang thang" trong cộng đồng và có thể lây lan ra người lành. Những ổ dịch tiếp theo có thể xảy ra", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Không để "đốm lửa nhỏ" lây lan thành "đám cháy lớn"
Theo thống kê trong 245 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta, tỷ lệ người mang mầm bệnh có khoảng 40% không có triệu chứng; nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ, chưa kể còn có tình trạng có người xét nghiệm âm tính sau đó lại dương tính nhiều lần.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, chúng ta không được mất cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch. Đó là ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Không để dịch bệnh bùng phát, từ "đốm lửa nhỏ" lây lan thành "đám cháy lớn" như ở một số nước. Đó mới là thành công.
Thông tin thêm về những người lành mang bệnh hoặc trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, về chuyên môn có thể có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn, tức là trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh nên chưa khỏi bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi. Thứ hai, khả năng người này đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải ra mầm bệnh, tuy nhiên đó là mầm bệnh không hoạt động được (gọi là xác virus). Thứ ba, là người lành mang bệnh (chúng ta có một trường hợp ở dạng này), xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để khống chế, kiểm soát, tiêu diệt virus…
Bộ Y tế đang chỉ đạo nghiên cứu sâu các trường hợp này, yêu cầu các đơn vị, với những người xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus này. Nếu virus đó sống, phát triển thì cơ thể người đó chưa khỏi bệnh. Tới đây, phải lấy mẫu tất cả những trường hợp điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt viurs không.
"Chúng tôi dự đoán có trường hợp kháng thể đó không có khả năng tiêu diệt virus, như vậy virus đó sẽ tồn tại trong thời gian dài trong cơ thể", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Do vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thực tế có thể chúng ta không ghi nhận những ca bệnh mới, song vẫn có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng mà không phát hiện ra được. Do chưa có vaccine, thuốc đặc trị, nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại. Bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.
Chính vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta kiên quyết ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, nhanh chóng phát hiện thật sớm tất cả các ca bệnh để cách ly, điều trị dập dịch từ bên trong, tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như các khu công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế… Lực lượng phòng, chống dịch ở tất cả các cấp, các ngành không được chủ quan, lơi lỏng.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 24/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mọi người dân "vui mừng nhưng phải đúng mức" vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn. Chúng ta cố gắng để sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhưng bình thường trong điều kiện vẫn còn nguy cơ bệnh dịch rình rập.
"Chúng ta vui mừng vì có kết quả như hôm nay, lạc quan, tin tưởng vì có lãnh đạo đúng đắn, thực thi hiệu quả, nhưng đừng quên chúng ta chỉ mới thắng từng trận đánh, từng "chiến dịch", còn cả "cuộc chiến" chúng ta chưa thắng hoàn toàn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Do đó, vì sức khỏe của bản thân mình và của cả cộng đồng, cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của ngành Y tế và dù không còn cách ly xã hội, nhưng hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài, hạn chế tối đa tiếp xúc. Nếu phải đi ra ngoài, nếu phải tiếp xúc thì nhớ luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên, sạch sẽ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương có những hướng dẫn hết sức chi tiết với từng lĩnh vực quản lý như giao thông, đi lại, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đi học trở lại tới đây… sao cho an toàn.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Đối với đi học an toàn, Bộ GD&ĐT là thành viên Ban Chỉ đạo nên biết rõ như thế nào là an toàn, nắm được điều kiện trường lớp, giáo viên ở từng tỉnh, từng cấp học… để đưa ra hướng dẫn hết sức chi tiết nhưng không được cứng nhắc, máy móc.
Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)