Thông báo về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, TC) tại họp báo chiều ngày 27/4, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực.
Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt trong chỉ đạo phát hiện, xử lý một số vụ việc nổi cộm, bức xúc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng
Ban Chỉ đạo đã quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng.
Các cơ quan chức năng, nhất là Quân đội, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính và các thành viên Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng).
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.
Trong đó đáng chú ý là đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, như:
Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.
Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan.
Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC.
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.
Khắc phục tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”
Theo Phó Ban Nội chính Trung ương, đến nay đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã chuyển 65 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 13 vụ việc, 18 đối tượng tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 31 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như: Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên,... Công tác thu hồi tải sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tiếp tục được quan tâm.
“Đây là những số liệu cho thấy đều tăng so với cùng kỳ, từ khởi tố, điều tra đến xử lý kỷ luật. Điều đó cho thấy nhiều vụ án lớn phức tạp, dư luận quan tâm được xem xét xử lý trong các lĩnh vực chứng khoán, ý tế, đất đai…”, ông Học nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý được Phó Ban Nội chính Trung ương nêu bật là những lĩnh vực lâu nay được người dân dành tình cảm trân trọng như y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoại giao nhưng lại phát hiện những vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thái Học cho hay, trong các vụ án này có 24 cán bộ từ cấp giám đốc sở, vụ trưởng trở lên. Từ đầu năm đến nay đã xử lý hình sự 40 cán bộ.
"Một điểm rất đáng suy nghĩ là việc xử lý cán bộ tham nhũng tiêu cực không còn là cán bộ cơ sở, tham nhũng vặt mà là cán bộ cấp cao. Những vụ án phát hiện xử lý vừa qua cho thấy tham ô, tham nhũng có tính chất tập thể, cấu kết của nhà nước với bên ngoài rất chặt chẽ, tinh vi, có tính tổ chức. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm", Phó Ban Nội chính Trung ương đúc kết.
Ngoài ra, ông Học cũng cho biết, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
“Từ đó khắc phục tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”. Sự phối hợp chặt chẽ đến mức trong các cơ quan có cơ quan nào đó không muốn làm cũng không được. Đó là kiểm soát quyền lực, một nét mới trong kiểm tra, giám sát xử lý PCTN, TC”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 2.050 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)