Khó tịch thu xe của tài xế say xỉn

14/11/2018 07:29:43

Sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, say xỉn xảy ra thời gian gần đây, nhiều người nhắc lại đề xuất về tịch thu phương tiện khi lái xe có nồng độ cồn cao vượt mức quy định. Thực tế, đề xuất này có từ lâu, ở nhiều nước cũng đã thực hiện.

Gây tai nạn thương tâm do “quá chén”

Hàng loạt vụ vụ tai nạn giao thông (TNGT) gần đây mà người điều khiển phương tiện được xác định có sử dụng rượu bia, khiến dư luận bức xúc và lo sợ. Mới đây nhất là vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM): Khoảng 23 giờ ngày 21.10, bà Nguyễn Thị Nga cầm lái chiếc xe du lịch BMW chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ quận 1 về quận 2 với tốc độ cao. Khi vừa đến ngã tư cầu vượt Hàng Xanh, xe của bà Nga tông văng hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Sau đó, xe này lao đến tông tiếp vào một taxi chạy cùng chiều. Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương được đưa đi cấp cứu. Kết quả đo nồng độ cồn đối với bà Nga là 0,94mg/lít khí thở. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Nga khai chiều tối cùng ngày có uống nhiều bia, rượu tại một nhà hàng ở quận 1.

Khó tịch thu xe của tài xế say xỉn
 Số vụ người điều khiển phương tiện uống rượu bia say và gây tai nạn tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: T.L

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), với hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia...

Trước thực trạng gia tăng các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, năm 2015, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm kéo giảm TNGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có biện pháp tịch thu xe máy và tịch thu ôtô. “Việc đưa ra chế tài này cũng nhằm mục tiêu để người dân không vi phạm. Tuy nhiên nếu muốn người dân không vi phạm thì chế tài gửi đến họ phải đủ mạnh. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, với điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, tịch thu phương tiện có ảnh hưởng đến đời sống của người dân? Đây có phải hình thức xử phạt tài chính quá nặng không? Phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều. Chẳng ai muốn tịch thu phương tiện của người dân. Nếu biết là tài sản lớn thì đừng vi phạm” – ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lý giải vào thời điểm đề xuất này được đưa ra.

Tuy nhiên, sau đó, đề xuất này được Liên Bộ GTVT, Công an, Tư pháp thống nhất chưa áp dụng. Mới đây, khi đề cập tới vấn đề này, phóng viên Báo NTNN đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Trong trường hợp xe không thuộc sở hữu của người vi phạm, phải trả lại cho chủ nhân, người vi phạm phải chịu mức chế tài nộp phạt, lại phát sinh thao tác giám định xe, giám định điều kiện thực hiện người mượn xe, thì biện pháp của cơ quan nhà nước thế nào đây khi trong túi họ không có tiền, không có tài sản để thanh toán?”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Còn tranh cãi

Ngày 13.11, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên – chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội cho biết, ông thấy đề xuất tịch thu phương tiện của người say xỉn là không khả thi. Năm 2015, khi đề xuất này xuất hiện, ông đã thấy có nhiều điều vô lý. Ông Liên cho rằng, cái xe không có tội, mà tội là thuộc về người điều khiển nó. Vị chuyên gia giao thông này đặt câu hỏi, người điều khiển không chấp hành đúng luật mới gây tai nạn, vậy tại sao lại tịch thu xe?

Ông Liên cho rằng, tịch thu xe là “hình sự hóa vi phạm giao thông, gây phản cảm, cực đoan”. Bởi vì, ở Việt Nam, phương tiện giao thông phải nộp phí trước bạ, thuế, vì thế nó không chỉ là chỉ là phương tiện mà còn là tài sản được nhà nước bảo hộ. “Tài sản của người ta không phải cứ thích tịch thu là được. Trường hợp xe đi mượn, hay xe mua từ vay tiền ngân hàng nhưng chưa trả hết cũng tương tự như vậy. Nếu cứ say rượu mà gây tai nạn sẽ bị thu xe sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều các vụ kiện cáo, đòi nợ nhau. Hơn nữa, muốn thực hiện được phải sửa đổi luật, rồi tốn thêm nhân lực để làm việc này, như thế vừa mất thời gian lại tốn kém” - ông Liên nhấn mạnh.

Tuy không đồng ý với đề xuất tịch thu xe nhưng nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại đưa ra quan điểm cần tăng mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông. Bởi mức xử phạt như hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm. “Tôi cho rằng cần phải tăng mức xử phạt nặng hơn nữa, cả phạt hành chính lẫn hình sự, bởi mức phạt như hiện nay là quá nhẹ. Khi mức phạt cao, người dân sẽ tự ý thức được mà thay đổi, điều này sẽ khả thi hơn là tịch thu phương tiện của người ta” - ông Liên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với chuyên gia Bùi Danh Liên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, tịch thu phương tiện của người say xỉn gây TNGT là không khả thi. Luật sư cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là tăng mức xử phạt đối với những trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, thậm chí tăng thêm gấp 5 – 10 lần. Đánh thẳng vào túi tiền thì người dân mới biết sợ.

Trong khi đó, từ góc độ người tham gia giao thông, anh Nguyễn Hữu Thái (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tỏ ra đồng tình với việc tịch thu xe của người say xỉn. Anh này cho rằng, việc tịch thu phương tiện là cần thiết và cấp bách, nếu làm chậm sẽ có nhiều vụ tai nạn tương tự như vụ ở ngã tư Hàng Xanh vừa qua. “Cái gì cần thiết phải làm ngay, kể cả là phải thay đổi luật rồi các quy định, tôi nghĩ các cơ quan chức năng hãy ngồi lại với nhau một lần nữa để nghiên cứu về vấn đề này” - anh Thái bày tỏ.

Cần tăng nặng hình thức phạt bổ sung

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN ngày 13.11, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trước đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đưa ra đề xuất về việc tịch thu phương tiện của lái xe say rượu bia. Nhưng sau gần một năm tranh luận đã thống nhất là chưa thể thực hiện do còn phải đảm bảo phù hợp với nhiều quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Thái, những hành vi tham gia giao thông gây nguy hiểm cần có chế tài xử phạt mạnh tay hơn.

“Hiện giờ chưa thể thực hiện tịch thu phương tiện đối với các hành vi nguy hiểm như người say rượu lái xe gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chúng ta có thể tăng nặng các hình thức xử phạt bổ sung như phạt tiền, kéo dài thời gian treo bằng lái. Bên cạnh đó, có mức phạt liên đới với chủ xe hoặc doanh nghiệp giao xe cho người lái gây tai nạn” - ông Thái nói.

Đình Lê

Nghiên cứu áp dụng với hành vi tái phạm

Tại hội thảo “Tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn” tổ chức cuối tháng 3.2015, đề cập đến vấn đề pháp lý có cho phép tịch thu phương tiện, ông Nguyễn Sỹ Cương (Đại biểu Quốc hội) khẳng định cá nhân ông ủng hộ đề xuất chế tài mạnh, trong đó có giải pháp tịch thu xe. Tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, để giải pháp tịch thu xe trở nên khả thi, đề xuất này cần phải tiếp tục nghiên cứu, bàn luận. Ví dụ Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép tịch thu phương tiện đối hành vi nghiêm trọng với lỗi cố ý. Nếu trong luật quy định chưa rõ thế nào là nghiêm trọng thì trong nghị định phải xác định, quy định rõ.

“Có thể nói uống rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông là hành vi nghiêm trọng, vì mất kiểm soát mà lái xe ra đường có thể “giết” một người hay nhiều người, thì sao không thể coi đó là nghiêm trọng” - ông Cương nói.

Còn TS Trần Hữu Minh - chuyên gia với 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh nêu ý kiến, chỉ nên tịch thu xe nếu lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn. Theo ông Minh, có thể áp dụng chế tài tịch thu xe đối với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; lái xe vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, như nồng độ cồn cho phép là 80mg/100ml máu mà nồng độ cồn của lái xe gấp 3-4 lần nồng độ cho phép. “Tức là lúc đó anh đã hoàn toàn mất kiểm soát, có thể gây tai nạn “giết” bất cứ ai trên đường thì phải tịch thu xe ngay; lái xe chống người thi hành công vụ, không dừng xe để đo nồng độ cồn, tức là coi thường kỷ cương” - ông Minh đề xuất.

B.T

Theo Đình Việt (Dân Việt)