Thời gian làm việc nhiều nhất thế giới
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mỗi năm cần tăng thêm 3 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh, tức là người lao động sẽ được nghỉ từ 2 đến 5-9, hoặc bổ sung 1 ngày nghỉ vào Ngày gia đình Việt Nam (28-6) và nghỉ thêm 2 ngày vào Tết Dương lịch. Lý giải nguyên nhân cần phải tăng số ngày nghỉ hàng năm cho người lao động, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đối với 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam nằm trong nhóm nước có giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Về thời gian nghỉ phép, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (chỉ ngang bằng với 8 nước, nhiều hơn 31 nước, và ít hơn 110 nước). Hiện số ngày nghỉ của Việt Nam chỉ là 10 ngày, nếu thêm 3 ngày nghỉ như đề xuất thành 13 ngày thì cũng chưa phải là cao. Việc tăng thêm ngày nghỉ lễ, Tết, ở nước ta nhằm giúp người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và dành nhiều thời gian cho gia đình cũng là điều cần thiết.
Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn Việt Nam Vũ Quang Thọ cho rằng, tăng ngày nghỉ hàng năm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người lao động. Do số đông người lao động Việt Nam hiện thu nhập còn thấp nên nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc hơn là nghỉ ngơi nên họ sẽ đăng ký làm thêm. So với các quốc gia lân cận (Campuchia nghỉ 28 ngày, Trung Quốc nghỉ 21 ngày, Philippines nghỉ 19 ngày, Nhật Bản - Thái Lan - Indonesia nghỉ 16 ngày, Malaysia nghỉ 13 ngày, Singapore nghỉ 11 ngày) số ngày nghỉ hằng năm của nước ta cũng ở mức trung bình thấp. Việc tăng ngày nghỉ sẽ giúp người lao động tái tạo sức khỏe để làm việc. Cùng với đó, những ngày nghỉ ngơi này cũng là cơ hội để kích thích sự phát triển của các ngành dịch vụ.
Tăng phúc lợi, giảm căng thẳng cho người lao động
Thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả người lao động và doanh nghiệp, việc xáo trộn nhịp sinh học có thể làm gia tăng tai nạn lao động, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc. Làm việc kéo dài không chỉ để lại hậu quả hiện tại mà gây nên những hệ lụy lớn cho tương lai đối với người lao động và con cái họ. Nếu người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, nguồn nhân lực sẽ bị cạn kiệt, cho nên người lao động khó có thể làm việc được đến tuổi nghỉ hưu, và khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn.
Ngay sau khi đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được công bố, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau, đa số người lao động ủng hộ việc tăng ngày nghỉ hàng năm, đặc biệt là phương án tăng thêm ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Kết quả thăm dò ý kiến người lao động tăng thêm ngày nghỉ trong năm trên Facebook Công đoàn Việt Nam cho thấy, 66% người lao động mong muốn tăng thêm 3 ngày nghỉ dịp Quốc khánh (từ 1 ngày theo quy định hiện hành lên 4 ngày, từ ngày 2 đến 5-9 hàng năm), 34% chọn phương án tăng 1 ngày nghỉ vào ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và 1 ngày vào dịp Tết Dương lịch (từ 1 ngày theo quy định hiện hành lên 2 ngày). Chỉ qua 1 ngày lấy ý kiến đã có tới hơn 2.800 người tham gia cuộc thăm dò. Đa số người lao động cho rằng, Quốc khánh nước ta cận kề với ngày khai giảng của học sinh, việc tăng ngày nghỉ vào dịp này giúp cha mẹ là công nhân có thêm thời gian chăm sóc, chuẩn bị để đưa con cái đến trường.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia lao động vẫn còn băn khoăn cho rằng, với các doanh nghiệp làm việc theo mùa vụ như ngành dệt may, da giày nếu nghỉ dài sẽ ảnh hưởng đến việc giao hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các nước phát triển có thể nghỉ nhiều hơn, nhưng năng suất họ làm tốt hơn, công nghệ cao hơn. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam còn khiêm tốn, việc nghỉ lễ quá nhiều có thể tạo thói quen chây ỳ bởi người Việt vốn thiếu tính kỷ luật trong công việc.
Phải có đánh giá tác động cụ thể
Ủng hộ việc tăng thêm ngày nghỉ lễ vì cho rằng, tất cả những gì có lợi cho người lao động đều rất đáng hoan nghênh. Tăng thêm 1 ngày nghỉ, 1 giờ nghỉ cũng là tăng lên phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên PGS.TS Vũ Quang Thọ cũng lưu ý, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, năng suất lao động chưa cao, của cải tích lũy chưa nhiều, GDP của nền kinh tế chưa nhiều cho nên cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu thời gian nghỉ sao cho hợp lý. Từ đó, chọn lựa số lượng ngày được nghỉ và thời điểm được nghỉ để đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Bàn về vấn đề này ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ thêm 3 ngày nhưng chưa có đánh giá tác động cụ thể. Cần phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm 3 ngày trong năm xem ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân như thế nào? Tại phiên họp cho ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chưa có báo cáo đánh giá tác động về việc tăng thêm ngày nghỉ lễ thì không nên đề xuất tăng thêm ngày nghỉ.
Cập nhật về nội dung này tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đến nay, theo quy định của dự luật, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 10 ngày lễ, Tết. Trong đó, đợt nghỉ nhiều nhất là Tết Âm lịch (5 ngày), các đợt nghỉ 1 ngày gồm Tết Dương lịch 1-1, ngày Chiến thắng 30-4, Quốc tế lao động 1-5, Quốc khánh 2-9, Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ nói trên còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ. Dự kiến, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 vào kỳ họp cuối năm, khai mạc cuối tháng 10-2019.
Cần phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm 3 ngày trong năm xem ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Theo An Nhiên (An Ninh Thủ Đô)