Khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, làm các thủ tục bằng cách nào?

11/04/2021 13:29:36

Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn chỉnh, công dân có thể thực hiện các thủ tục hộ tịch, hành chính bằng số định danh thay cho sổ hộ khẩu.

Khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, làm các thủ tục bằng cách nào?
Người dân mang theo sổ hộ khẩu khi làm thủ tục hành chính ở Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngày 29-3, PLO đã có bài viết: “Từ 1-7, trường hợp nào sẽ thu hồi sổ hộ khẩu?” thông tin về Luật Cư trú 2020 sẽ có hiệu lực từ 1-7 tới. Theo đó, trong một số trường hợp, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ bị thu hồi. Đồng thời, đến hết 31-12-2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng.

Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều bạn đọc gởi thắc mắc liên quan đến quy định thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

“Sổ hộ khẩu bị thu hồi, thì khi đăng ký khai sinh, nhập khẩu cho con thì tôi phải dùng giấy tờ nào?”, bạn đọc Nguyễn Phả hỏi.

“Nếu thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, khi đi xin việc, đi học, người dân phải làm sao chứng minh về nơi cư trú?”, bạn đọc Trần Thị Hoa thắc mắc...

Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, giải đáp về những thắc mắc trên của bạn đọc.

Lâu nay, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là giấy tờ cần có trong nhiều thủ tục như cấp CCCD, ý lịch tư pháp, mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, khai sinh, đăng ký kết hôn, làm hộ chiếu, khai tử…

Trước thông tin sẽ thu hồi hay bỏ sổ hộ khẩu, nhiều người dân cảm thấy khá hoang mang. Tuy nhiên, không phải đến 1-7 tới thì tất cả sổ hộ khẩu phải thu hồi.

Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Trong trường hợp không thay đổi thông tin, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết 31-12-2022.

Sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn chỉnh và đi vào hoạt động thì mọi thông tin cư trú của công dân sẽ được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu. Khi ấy, việc quản cư trú của công dân sẽ dựa trên mã số định danh. Công dân khi làm các thủ tục chỉ cần cung cấp số định danh (dãy số của mỗi cá nhân trong thẻ căn cước công dân) cho cơ quan chức năng để tra cứu thông tin, thay vì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như hiện nay.

Vì vây, việc thu hồi và tiến đến xóa bỏ sổ hộ khẩu sẽ không gây khó khăn gì cho người dân khi làm các thủ tục hộ tịch, hành chính… Ngược lại, trong thời gian tới, các thủ tục này sẽ được làm một cách nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Theo Trúc Phương (Pháp Luật TPHCM)