Từ 1/7, thu hồi sổ hộ khẩu giấy khi người dân thay đổi thông tin: Không phải thu hồi đồng loạt

27/03/2021 08:09:58

Từ ngày Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Theo VnExpress, từ ngày 1/7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, cảnh sát sẽ cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy. Ngoài ra, cảnh sát quản lý cư trú cũng sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Cục Pháp chế cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, cho biết đây là một trong những điểm mới trong Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2021.

Cũng theo Cục này, từ ngày Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Về thủ tục đăng ký thường trú lần đầu, người dân sẽ phải khai vào tờ khai điện tử về thay đổi thông tin cư trú, cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp để cảnh sát kiểm tra và cập nhật vào hồ sơ trên hệ thống cơ sở dữ liệu cư trú. Thủ tục này được rút ngắn tối đa còn 7 ngày thay vì 15 ngày.

Trả lời trên Tuổi trẻ online, lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp cho biết, chỉ những trường hợp có thay đổi, cập nhật thông tin mới thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, chứ không phải thu hồi đồng loạt.

"Chỉ thu sổ hộ khẩu khi người dân đến làm các thủ tục về đăng ký cư trú và thấy các thông tin không chính xác, chứ không phải người dân tự nguyện mang sổ đến nộp.

Ví dụ ông A có hộ khẩu ở quận B, nhưng khi ông A đến đăng ký chuyển sang một địa chỉ khác, khi đó thông tin trong sổ hộ khẩu về nơi thường trú không đúng thì trong quá trình làm thủ tục công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu đó", vị lãnh đạo này cho Tuổi trẻ biết.

Nguồn trên dẫn lời lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp cho hay, sau khi thu hồi sổ hộ khẩu, người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không bị ảnh hưởng gì vì mọi thông tin cá nhân đã có trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và cơ quan chức năng sẽ sử dụng thông tin trên cơ sở dữ liệu này.

Bộ Công an đang xây dựng các văn bản báo cáo với Chính phủ về việc công dân được quyền khai thác thông tin của mình từ cơ sở dữ liệu cư trú thông qua số định danh cá nhân của họ.

"Người dân có số định danh cá nhân thì họ khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu cư trú thông qua số định danh đó và có thể khai thác trên cổng thông tin dịch vụ công, các hình thức khác như tin nhắn hoặc gửi văn bản yêu cầu cơ quan công an cung cấp", vị lãnh đạo nói.

Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.

Cụ thể, quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân (12 số trên thẻ căn cước công dân ) để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Theo Bộ Công an, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật