Cô Lê Thị Thu Trang, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền, cho biết công trình Trường tiểu học Ngô Quyền mới được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2013. Thời điểm đó, tất cả học sinh, giáo viên Trường tiểu học Bình Hưng Hòa 2 được chuyển về đây. Đây là năm học thứ ba của cô trò ở ngôi trường mới.
Quá nhiều hạng mục hư hỏng
Có khuôn viên rộng đến 12.000m2, nhìn ở ngoài Trường tiểu học Ngô Quyền rất khang trang, mát mẻ. Tuy nhiên, bên trong trường, ngoài việc còn thiếu một số hạng mục, không ít hạng mục khác của công trình bị hư hỏng, không được kịp thời sửa chữa.
Ngày 14-12, ghi nhận tại trường cho thấy gạch của nhiều dãy hành lang giữa các phòng học bị bong tróc, rộp lên thành từng mảng lớn, một số nơi chỉ còn trơ lại phần bêtông nhám. Theo thống kê chưa đầy đủ từ nhà trường, có hàng chục chỗ bong tróc gạch, gây khó khăn khi học sinh đi lại, chơi đùa.
Tại hành lang của trường, nhiều nơi gạch lát bong tróc lên từng mảng lớn (ảnh chụp chiều 14-12) - Ảnh: Mỹ Dung |
Ngoài ra, việc thiết kế đường điện cho trường không đủ tải đã từng khiến cả giáo viên, học sinh, phụ huynh nhiều lần sợ hãi.
Ông Hồ Xuân Phúc, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, cho biết đầu tháng 10-2015 bỗng dưng tủ điện (được để dưới cầu thang) của trường phát nổ. May thay, sự việc rơi vào ngày thứ bảy, ngày nghỉ của học sinh, nên không ảnh hưởng gì đến việc học hành của các em.
Nhưng từ đó đến nay, sự cố về điện của nhà trường xảy ra liên tục. Chỉ chưa đầy hai tháng, nhưng nhiều lần học sinh, giáo viên phải học trong nóng nực, tăm tối vì... cháy CB (thiết bị dùng đóng ngắt, mạch điện).
“Những phòng học bán trú, ngủ trưa là nơi thường xuyên xảy ra việc cháy CB, vì có máy lạnh. Phòng vi tính cũng là nơi không ít lần bị cháy CB. Cứ nơi nào tải cao là... cháy. Chúng tôi phải mua hàng chục cái CB dự phòng, và phải thường xuyên dùng đến chúng” - cô Lê Thị Thu Trang cho biết.
Ngoài điện, nước cũng là vấn đề khiến học sinh, nhà trường khổ sở. “Lúc mới chuyển về đây, trường chỉ có phòng học, không có điện nước. Thầy trò phải chịu đựng một tháng không điện, không nước, sau đó thì nhờ kéo điện, kéo nước để sinh hoạt. Giờ đây thì dãy nhà ăn suốt ngày thiếu nước, mỗi khi cúp điện thì không có nước dùng” - cô Lê Thị Thu Trang ngao ngán nói.
Học sinh không dám đi vệ sinh
Hiện nay 1.960 học sinh của Trường tiểu học Ngô Quyền phải chịu cảnh sử dụng các nhà vệ sinh bốc mùi khó chịu.
Chiều 14-12, khi bước vào một phòng vệ sinh thuộc lầu 1, dãy phòng học bên trái của trường, dù ở đó đã được gắn quạt, có xà phòng rửa tay, treo các loại long não khử mùi, nhưng mùi hôi vẫn xông lên nồng nặc.
Trên trần nhà vệ sinh, những mảng tường mốc meo, đọng hơi nước. Các bồn cầu của bảy nhà vệ sinh cho học sinh ở trường đều là bồn cầu xổm, với thiết kế rất khó khăn khi giội nước. Vòi nước ở đây đều bằng nhựa cứng, rất khó vặn.
Trong khi ba nữ sinh lớp 3/5 cho chúng tôi biết: “Mỗi lần đi vệ sinh, tụi con phải dùng hai tay mới vặn được”, thì nhiều học sinh lớp 1, lớp 2 cho biết các em không vặn nổi nên đành không giội nước...
Nhận xét về những bất cập nói trên trong thiết kế nhà vệ sinh, cô Lê Thị Thu Trang cho biết: “Thiết kế này không phù hợp với học sinh tiểu học. Chúng tôi tìm mọi cách để khắc phục như lắp quạt, lắp bồn rửa tay, gắn vòi xịt... để đỡ phần nào nhưng thấy vẫn còn nhiều bất tiện cho học sinh”.
Ngoài ra, một số hạng mục được xây dựng, lắp đặt trong trường thiếu an toàn đối với học sinh. Ngay sau dãy nhà bên trái cổng chính của trường, gần dãy nhà xe giáo viên, có một bể chứa nước, ước khoảng 10m2. Theo quan sát, bể nước được đậy bằng một số tấm bêtông nhưng nhìn xuống vẫn có lỗ hổng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề “có bể nước, trường không sợ nguy hiểm cho học sinh?”, thầy hiệu trưởng Võ Phương Bình cho biết trường cũng đang dự định làm hàng rào xung quanh bể nước, vì sợ không an toàn cho học sinh. Nhưng điện nước ở đây chập chờn, nếu xây rào thì nhiều khi nhà ăn không biết lấy nước ở đâu mà dùng. Thế nên, tổng phụ trách phải liên tục nhắc nhở học sinh về việc đi lại khi ra chơi.
Ông Hồ Xuân Phúc còn cho biết thêm ông rất lo lắng về sự an toàn cho học sinh, khi hằng ngày các em chơi đùa xung quanh những cánh cửa sổ của phòng học làm bằng loại kính dễ vỡ, không được bao bọc cẩn thận. “Người lớn mà đụng vào mấy cánh cửa này cũng dễ bị tai nạn, nói chi tụi nhỏ đang tuổi hiếu động như thế này. Thiết kế cửa sổ đó không hề phù hợp với học sinh tiểu học” - ông Phúc nhận xét.
Không được phép sửa chữa
Trả lời Tuổi Trẻ, hiệu trưởng Võ Phương Bình cho biết với những bất cập nói trên của công trình, ban giám hiệu đã nhiều lần làm đơn xin sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Công trình Trường tiểu học Ngô Quyền thuộc dự án khu dân cư Vĩnh Lộc, do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.5 nhận thầu từ nguồn vốn ngân sách TP.
“Người ta hứa nhưng không chịu làm. Sợ nguy hiểm cho học sinh, trường đã nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ để làm một số hạng mục” - ông Võ Phương Bình nói. Theo đó, trường vừa làm các vỉ sắt đậy đường cống (có đường điện) ngay sân chơi vì sợ “khi học sinh chơi, lọt xuống cống”.
Hiện nay trường đang bọc lại các gầm cầu thang, vừa làm chỗ để đồ dùng vừa để đảm bảo an toàn cho học sinh. “Bên chủ đầu tư có phê bình thì cũng ráng chịu thôi, vì những cái đó không thể chờ lâu hơn nữa” - ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, một số hạng mục khác như nhà vệ sinh, trường cũng muốn xin ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ làm bồn cầu bệt, nhưng ban đại diện cho biết hiện họ không đủ kinh phí để làm.
“Do công trình chưa bàn giao cho trường quản lý, nên mỗi lần có sửa chữa gì từ công trình, chúng tôi đều phải xin ý kiến. Sáu tháng báo cáo tình trạng công trình/lần, nhưng một số hạng mục chờ hoài vẫn chưa được sửa chữa. Giờ chúng tôi chỉ mong công trình sớm được bàn giao lại cho trường quản lý, để chúng tôi có thể sửa chữa được công trình, đảm bảo an toàn và điều kiện học hành cho học sinh” - ông Bình bày tỏ.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đinh Trí Dũng - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.5, đơn vị chủ đầu tư - cho biết những phản ảnh của Trường tiểu học Ngô Quyền về điện, nước, nhà vệ sinh là đúng.
Mùi hôi ở phòng vệ sinh là do lỗi kỹ thuật trong lắp đặt hộp gen, sử dụng nắp gen không đúng nên hơi bị thoát lên trên. Công trình cũng sẽ được làm lại đường điện, không dùng cả phòng một công tắc như hiện nay.
“Công trình còn trong thời gian bảo hành, do đó chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục các vấn đề nêu trên” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, việc chưa chính thức bàn giao công trình cho lãnh đạo nhà trường là do công trình đến nay vẫn chưa quyết toán xong. Chưa được nghiệm thu nhưng công trình được tạm giao để sử dụng từ năm 2013, do nhu cầu gấp gáp về trường lớp ở Q.Bình Tân.
Trường tiểu học Ngô Quyền khởi công tháng 11-2010, được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2013. Trường tọa lạc trên diện tích 11.960m2 tại 118 đường số 3, khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM với tổng mức vốn đầu tư 23,198 tỉ đồng. Kết cấu trường gồm hai tầng, ba dãy phòng học với 25 phòng (mỗi phòng chứa 40 học sinh) cùng bốn phòng chức năng và sân trường, bãi đậu xe... |