Theo người “tố”, cô này đã phải bỏ đi 5kg hành lý xách tay ngay trước mắt những nhân viên sân bay ở Tân Sơn Nhất trước giờ lên máy bay 10 phút vì quá cân nặng. Những lời “tố cáo” này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng.
Facebooker này cũng thông tin thêm, những người Việt đã chặn cô lại yêu cầu đóng phạt với giá 75$/1kg, 5kg x 75$ = 375$, trong khi mua kiện hành lý 23kg chỉ tốn 170$ và không có hóa đơn đóng phạt. Nghĩ rằng mình sắp muộn giờ lên máy bay, người này đã lấy bớt 5 kg đồ xách tay ra để vào rổ, và không có người thân nào nhận lại. Người “tố cáo” cũng so sánh, khi đi từ Mỹ về Việt Nam, cô mang hành lý xách tay nặng gần 19 kg mà vẫn được bên Mỹ cho qua và gợi ý cho gửi hành lý miễn phí; còn ở Tân Sơn Nhất, cô bị “chèn ép”, “hành hạ” bởi chính người Việt và với thái độ hạch sách rất khó chịu.
Bài đăng này, ngay lập tức đã gây ra một cơn “bão” chia sẻ và copy có ghi nguồn của các cá nhân và fanpage khác nhau với hàng trăm nghìn lượt chia sẻ cũng như bình luận đa chiều từ phía những dân mạng. Không ít “anh hùng bàn phím”, dù không thực sự nắm rõ được thực hư câu chuyện cũng hùa vào lên án các sân bay cũng như nhân viên sân bay tại Việt Nam, cho rằng nhiều người đã kể chuyện hành lý của họ dấu hiệu bị moi, bị bớt xén… hoặc bắt gặp thái độ không thân thiện của các nhân viên an ninh, hải quan… ở sân bay. Những bình luận cảm thán đầy tiêu cực như “Thật xấu hổ cho người Việt” hay “Việt kiều cứ bị “hành” thế này thì sao còn dám về nước nữa”… cũng được để lại dưới những bài đăng này. |
Nhiều fanpage đã đăng tải lại bài viết này và thu hút sự chú ý của cư dân mạng. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người đã rất khách quan cho rằng, những gì mà Facebooker Tống Dạ Uyên chia sẻ quá tiêu cực, mang tính cá nhân và “dìm hàng” hơn là góp ý với tinh thần cầu thị. Nick Truong Thu Huong bức xúc bình luận: “Quy định là vậy, không nghiêm để ngành hàng không chết yểu à? Chưa kể cái vụ bảo hãng cho đi mà Việt Nam không cho đi là điêu. Nhân viên mặt đất Việt Nam không liên quan tới việc hành lý của hãng bay nhé! Tới giờ bay phải cất cánh, phía Việt Nam cũng không được phép giữ khách nếu không liên quan tới vấn đề an ninh hành lý”. Nick Hoang Yen cũng cho rằng: “Bạn này nói sai rồi. Mình từ Đức về. Mang ít trái cây, thừa cân, cũng là mang theo người kiểu hành lý xách tay giống bạn. Cũng bị nhân viên hải quan sân bay ở nước ngoài bắt vứt bỏ hết. Tiếc lắm mà vẫn phải thực hiện, có dám chửi người ta giống bạn đâu!”.
Vấn đề an toàn bay cũng được nick Linh Nhi nhắc đến: “Sai lè, nếu ai cũng mang quá vài kg như thế này thì máy bay sẽ có những nguy cơ mình không thể biết và tiếp viên hàng không sẽ gặp khó khăn khi trợ giúp hành khách, ảnh hưởng đến cột sống. Ai đi xa tâm lý cũng mang cố đồ, nhồi nhét hàng gửi và gian lận mang thêm vào đồ xách tay thêm kg nào tốt kg đó. Nhưng chúng ta chỉ nghĩ cho chúng ta mà không nghĩ an toàn chuyến bay và sức khỏe cho tiếp viên khi họ giúp mình cất hành lý lên khoang. Đừng nghĩ chỉ Việt Nam mình mới có cái cân kiểu này, các nước đều có nhưng không để trước cửa lên máy bay. Đồ mang đi họ còn bắt vứt hết thùng rác cơ chứ lúc đó chả có người nhà nào mà mang về giúp. Đừng chửi kiểu này vì như thế bạn sai mà còn ngang”.
Trong những ý kiến phản bác, đáng chú ý và phân tích cặn kẽ, chí lý nhất có lẽ là ý kiến trên fanpage của Huỳnh Phước Sang. Anh bức xúc viết: “Mới rồi có chị nào đăng cái hình bị xét cân hành lý lên máy bay, lố cân nên bị bắt đóng phạt rất mắc hoặc phải vứt bỏ đồ đi mà không cho đưa cho người thân! ”. |
Phân tích rất hợp lý, phản bác lại những ý kiến tiêu cực từ fanpage của Huỳnh Phước Sang. |
Và anh phân tích: “(1) Hành lý xách tay quy định rất rõ ràng trên vé, thường là 7 kg và kích thước 56cm x 36cm x 23cm. Ở sân bay có sẵn cái cân có cái khung, bạn tự cân xem mình có lố cân và lố kích thước hay không!
(2) Máy bay là phương tiện phải tuyệt đối chính xác, bạn xách quá khổ hay lố ký sẽ quá tải cái hộc để đồ trên máy bay, sẽ nguy hiểm cho bạn và mọi người nếu có vấn đề thời tiết xấu hay sự cố thoát hiểm! Nếu chuyến bay trống, họ có thể du di cho bạn xách nặng hơn, nhưng nếu chuyến bay đông, hay nhân viên nghiêm khắc, họ hoàn toàn có thể bắt bạn tuân thủ 100%.
Họ kiểm tra bạn hai chỗ, ngay quầy bạn lấy thẻ lên máy bay hoặc ngay cửa ra máy bay đều được. Nếu họ kiểm ở ngay cửa ra máy bay, bạn đã vào khu cách ly thì không thể đi ra để đưa đồ dư cho người thân nữa mà phải vứt thôi! |
Một khung cân đo hành lý xách tay ở sân bay quốc tế. |
(3) Về cước hành lý, nếu bạn mua trước thì rất rẻ, mua khi đặt vé hay mua thêm online trước 6 giờ, tuỳ hãng. Nhưng khi bạn đã đến sân bay thì cước phạt lố ký rất đắt, gấp mấy lần, bạn vứt bớt đồ đi còn rẻ hơn, là bởi vì máy bay có giới hạn của nó, ai cũng chờ đến cuối mới báo mua hành lý thì máy bay nó quá tải luôn!
(4) Việc kiểm tra lố ký lố kích thước này là của hãng máy bay, không liên quan gì đến sân bay cả! Hãng máy bay nước ngoài thường thuê nhân viên mặt đất người Việt Nam, và nếu họ làm sai họ sẽ bị kỷ luật, nên họ sẽ phải nghiêm khắc thôi! Đã sai mà còn chửi người ta!
(5) Tôi từng đi nhiều nước, và việc quy định về hành lý xách tay như thế này là gần như toàn cầu. Tôi từng chứng kiến một em Singapore bắt hai người Tây vứt đồ ngay cửa lên máy bay, không chấp nhận lời năn nỉ nào! Việt Nam giống người ta thôi!
Máy bay không phải là cái xe đò mà là một phương tiện vận chuyển cao cấp và an toàn nhất hành tinh. Nó dành cho người tinh hoa, vì thế thay vì các bạn cứ chửi bới thì chịu khó tìm đọc và học hỏi để làm đúng với người ta!”. |
Khung cân đo hành lý ở sân bay Việt Nam. |
Theo Phong Linh (aFamily.vn/Trí thức trẻ)