Phải có tiền...
Anh Nguyễn Mạnh Hà (Hà Nội) là một trong những người đầu tiên chơi chim săn mồi một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam. “Thú chơi chim săn mồi phát triển mạnh nhất khoảng 3 năm nay nhưng đa số là tự phát, một số câu lạc bộ cũng phát triển chưa mạnh nên rất ít người ở Việt Nam chơi một cách chuyên nghiệp, được thế giới công nhận”, anh Hà cho biết.
Chia sẻ về thú vui đã trở thành đam mê của mình, anh Mạnh Hà cho biết, thích và đam mê chơi chim săn mồi từ một lần chơi chim ưng, thấy nó dũng mãnh và quấn chủ, từ đó anh đam mê và bắt đầu tìm hiểu sâu về loài chim săn mồi này. “Chơi chim săn mồi quan trọng là đam mê và có cái tâm yêu động vật, tuyệt đối không được buôn bán hay để ngâm rượu”, anh Hà chia sẻ.
Để sở hữu "chúa tể bầu trời", trước hết phải tìm hiểu đặc tính của từng loài, như đặc điểm khi hậu, thức ăn như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ phụ kiện đi kèm để chơi chim một cách bài bản. Điều này đòi hỏi người chơi phải có thời gian và tiền bạc.
Để có kỹ năng nuôi chim săn mồi, người chơi cần ít nhất hai năm được đào tạo về chăm sóc và huấn luyện chim. Ở Việt Nam chưa có những quy định cụ thể nên hầu như người chơi đa số là tự phát.
Muốn nuôi "chúa tể bầu trời", nhất là những dòng quý hiếm trên thế giới như loài đại bàng Mông Cổ, người chơi phải am hiểu các thủ tục, điều kiện của mỗi nước trước khi nhập về nuôi.
Ví dụ như đôi chim đại bàng vàng Mông Cổ từ Slovenia về Việt Nam phải trải qua rất nhiều khâu: phải có giấy khai sinh, kiểm tra chuồng trại, xem có ảnh hưởng đến loài nào ở Việt Nam không, phải được kiểm lâm ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam thẩm tra, cấp giấy chứng nhận có đủ khả năng nuôi hay không… mới được nhập về.
“Giá của chú chim này ở Việt Nam với đầy đủ giấy tờ là khoảng 10.000 USD/con”, anh Hà tiết lộ.
Để sở hữu một chú chim đại bàng má trắng cũng rất tốn kém. Anh Trịnh Văn Hậu (Hà Nội) cho biết, ngoài niềm đam mê, người chơi loài chim săn mồi cũng phải có điều kiện về tài chính và thời gian. Hiện anh đang sở hữu một chú chim đại bàng má trắng, được mua với giá 40 triệu đồng.
Đại bàng má trắng của anh Hậu (Hà Nội) có giá 40 triệu đồng. |
Ngoài thú chơi đại bàng, hiện ở Hà Nội, nhiều dân chơi chim săn mồi chơi dòng cắt lớn. Đây là loài chim săn mồi với tốc độ cao nhất, chúng có thể săn được những con mồi to gấp 2 lần mình. Chính vì vậy, trên thế giới, loài chim này cũng được dân chơi chim ưa chuộng, giá một con cắt lớn cũng trên dưới 10 triệu đồng.
Dòng cắt lớn có giá trên dưới 10 triệu đồng. |
Để có thể nuôi và thực hiện huấn luyện cho một con chim săn mồi, người chơi cần trang bị rất nhiều dụng cụ như: găng tay da 3 lớp, bộ buộc dây, bộ chụp móng vuốt, mũ chụp, thiết bị định vị GPS… Giá mỗi món cũng dao động trong khoảng vài trăm đến vài triệu đồng.
Đắt đỏ nhất có lẽ là thiết bị định vị GPS, dụng cụ này giúp người chơi xác định được vị trí bay của đại bàng ở trên không trong khi đang huấn luyện hoặc thả chim đi săn và để phát tín hiệu cho chim bay về. Khoảng cách định vị của thiết bị này có bán kính trong khoảng 80km.
... và đam mê
Nhiều người chơi chim như một thú vui nhưng để huấn luyện chúng trở thành “sát thủ bầu trời” theo điều khiển của con người thì người chơi cần phải có những “kỹ nghệ” nhất định. Ngoài học hỏi những người đi trước, đọc sách, tra cứu trên mạng thì người chơi phải quan sát, theo dõi rất kỹ xem con chim đạt đến trọng lượng như thế nào thì săn mồi tốt nhất.
Đối với chim non, người chơi có thể huấn luyện từ bé nên dễ dàng hơn trong việc điều khiển, đối với chim bổi (chim bắt ngoài tự nhiên) thì phải tập cho chúng làm quen với con người và ăn trên găng tay khoảng gần nửa tháng thì bắt đầu cho chúng tập luyện.
Khi kiểm soát chặt được trọng lượng, lúc tập luyện sẽ không bị mắc những sai lầm như chim bay mất hay bay xa và không nghe lời. Loài chim cắt lớn có phạm vi săn mồi rất xa và cao nên người chơi cần phải có định vị để chơi an tâm hơn. Hầu như ngày nào cũng phải tập luyện và tuân thủ đúng giờ giấc.
Anh Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ, việc chăm sóc cho đại bàng Mông Cổ hết sức cầu kỳ. Thời gian cho chúng làm quen với môi trường, khí hậu, làm quen với người, giữ trên tay là lâu nhất (gọi là thời gian manining). Khi mới đưa cặp đôi đại bàng vàng Mông Cổ về Hà Nội (năm 2015), anh phải thường xuyên thức cùng chúng để “làm quen” và giữ chúng trên tay gần chỗ đông người để chúng thuần nhanh nhất.
Chế độ ăn uống hằng ngày cho các chú chim phải được tính toán rất kỹ, cân đo số lượng và có điều chỉnh thức ăn phù hợp để ổn định trọng lượng.
Anh Trịnh Văn Hậu (Hà Nội), một người chơi "chú tể bầu trời" cũng chia sẻ, cần phải có những bài tập thể lực cho chúng hằng ngày, đồng thời, cũng phải tập cho chúng độ hung hãn khi nhìn thấy con mồi, nhằm tạo tính nhạy bén. Đây là hai yếu tố quyết định để đánh giá chim săn.
Người chơi cũng phải hết sức chú ý tránh bị đôi chân của chúng “cắp” vào tay, rất dễ đứt gân. “Nếu dùng vũ lực để gỡ bỏ những chiếc móng sắc nhọn của chúng ra khỏi tay người bị cắp thì hậu quả rất khó lường cho nạn nhân. Phải thật nhẹ nhàng và cần sự giúp đỡ của người khác”, anh Hậu chia sẻ kinh nghiệm.
Trong quá trình huấn luyện cũng như đi săn thực tế, điều quan trọng là người huấn luyện phải coi chim săn là đối tác vì chim săn săn “bắt mồi” hoàn toàn độc lập với người huấn luyện, sự chi phối đều phải dựa vào tiếng còi, tiếng gọi của người chỉ huy nên cần có những kinh nghiệm thực tết mới đạt độ chính xác cao, giúp chim bắt gọn con mồi phía trước.
Theo đó, khi phát hiện con mồi, người huấn luyện phải ý thức việc hướng mắt chim săn về phía con mồi, đồng thời lúc thả chim cần phải phối hợp tốt giữa quan sát, khoảng cách, vị trí con mồi, thấy thích hợp mới bung chim ra, như thế hiệu quả bắt được mồi sẽ cao hơn.
Bộ định vị GPS có giá khá đắt, hiện tại ở Việt Nam chưa sản xuất được. |
Mũ chụp nhìn rất đẹp và cầu kỳ |
Găng tay da 3 lớp |
Đế mạ vàng cho chim đậu |
Theo Hồng Phú (Dân Việt)