Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết theo báo cáo của 63 sở LĐ-TB-XH (tính đến ngày 18-3), tổng số lao động nước ngoài đã được cấp phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động là 94.000 người. Trong đó, số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là 68.521 người (lao động Trung Quốc là 15.310 người, chiếm 22,4%; lao động Hàn Quốc là 23.581 người, chiếm 34,4%; lao động đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác là 29.630 người, chiếm 43,2%).
Số lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam làm việc là 25.479 người (lao động Trung Quốc là 19.113 người, chiếm 75%; lao động Hàn Quốc là 3.766 người, chiếm 14,8%; lao động đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác là 2.600 người, chiếm 10,2%). Số lao động này chủ yếu là các chuyên gia/lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm quản lý tại các doanh nghiệp (DN).
Về tình hình lao động nước ngoài có nhu cầu trở lại làm việc, theo báo cáo của 63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, hầu hết lao động nước ngoài mà các DN đang thiếu hụt đều là các nhà quản lý hoặc chuyên gia ở các dự án, công trình trọng điểm. Mặc dù các địa phương đều tích cực, chủ động các phương án hỗ trợ DN tìm nguồn lao động thay thế nhưng những vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, điều hành lâu năm thì trong khoảng thời gian ngắn, lao động Việt Nam chưa đáp ứng được ngay, cần phải có thời gian đào tạo, chuyển đổi.
"Nếu tình trạng thiếu hụt chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật... tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các vị trí nêu trên sẽ dẫn đến ngừng việc, giãn việc ở một số vị trí khác trong DN. Ngoài ra, sẽ tác động đến nhiều ngành và lĩnh vực có liên quan những công trình, dự án" - văn bản Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ.
Phải hoàn thành cách ly y tế theo quy định
Tính đến ngày 15-3, tổng nhu cầu của các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là 8.459 lao động (chủ yếu là lao động Trung Quốc và Hàn Quốc). Trong đó có khoảng 2.000 lao động của một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia như: dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (khoảng 100 người), dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (76 người), dự án LG Display tại Hải Phòng (200 người), Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh (700 người), Công ty TNHH Samsung Elecho-Mechanics Việt Nam và công ty đối tác tại Thái Nguyên (150 người), Công ty TNHH Texhong (77 người)…
Để kịp thời giải quyết những vướng mắc nêu trên và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó dịch bệnh Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về việc đồng ý cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, DN lớn, trọng điểm, cấp thiết… theo đề nghị của bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện ngoại giao một số nước và DN sau khi số chuyên gia, lao động này đã hoàn thành các thủ tục y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Văn Duẩn (Nld.com.vn)