Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Trong sáng 5/6 xảy ra mưa lớn ở khu vực Hà Nội. Mưa lớn kèm theo hàng nghìn cú sấm sét dội xuống đất".
Tại khu vực Hà Nội sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện. Trong đó, khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm sét dày đặc.
Theo số liệu mà ông Hoàng Đức Cường chia sẻ tại khu vực Hà Nội, từ 6-7h, cơ quan quan trắc ghi nhận có 3513 cú sét (trong đó sét đánh xuống đất là 2322 lần); Thời gian từ 7-8h, có 4060 cú sét (sét đánh xuống đất là 2855 lần); Thời gian từ 8-9h, có 2642 cú sét (sét đánh xuống đất là 1848 lần).
"Tổng cộng có khoảng 7.025 lượt sấm sét dội xuống đất trong sáng nay ở khu vực Hà Nội. Cường độ sét từ 7h40 đến 8h50 là mạnh nhất", ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.
Trước đó, từ khoảng 6h sáng 5/6, cơn mưa dông từ khu vực phía Tây Nam Hà Nội kéo về trung tâm thành phố kèm theo sấm sét liên hồi gây mưa lớn kéo dài cho khu vực Hà Nội.
Mưa lớn khiến một số tuyến phố ngập sâu như đường Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm), Mỹ Đình, Thụy Khuê, Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Dương Đình Nghệ...
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đêm hôm qua, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to như: Bản Giang (Lai Châu) 170mm, Xuân Minh (Hà Giang) 166mm, Gia Phú (Lào Cai) 130mm, Hồng Ca (Yên Bái) 127mm, Cần Yên (Cao Bằng) 93mm…
Dự báo từ hôm nay đến đêm 6/6, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-120mm, có nơi trên 200mm.
Từ chiều tối và đêm nay đến đêm 6/6, khu vực Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mỗi năm Việt Nam hứng chịu khoảng 2 triệu cú sét đánh
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, nguyên nhân khi trời mưa dông thường hay xảy ra hiện tượng sấm chớp và sét. Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn.
Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ.
Về cách phòng tránh hiện tượng sét, chuyên gia khí tượng khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại ngoài đồng, vì điện thoại là loại thu sóng có thể thu hút sét hay sử dụng kim loại cuốc, xẻng. Người dân không nên trú dông dưới những tán cây to mà nên trú gần những cột thu lôi. Trường hợp khẩn cấp nên nằm hoặc ngồi sát mặt đất khả năng bị ảnh hưởng bởi sét ít hơn so với đứng.
Theo Văn Ngân (Vov.vn)