Anh Nguyễn Như Hòa (28 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, việc hoàn thiện quy định đặt tiền bảo lãnh thay vì để CSGT giữ xe là hoàn toàn hợp lý, bởi phương tiện vi phạm nhưng họ chứng minh được đầy đủ nhân thân, giấy tờ thì nên cho người ta nộp tiền để bảo vệ tài sản của chính mình cho đến khi hoàn tất xử phạt.
Còn chị Nguyễn Thị Lan (37 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: "Đây là một trong những đề xuất rất sát với thực tế bởi theo tôi, có những chiếc xe lên đến cả vài chục triệu, trăm triệu, là một tài sản rất lớn của chính gia đình đó. Vì khi được nộp tiền, tự giữ phương tiện thì người dân bớt xót cho tài sản của mình. Người dân cũng không phải mất thêm khoản phí trả cho các đơn vị trông giữ xe mà chưa chắc tài sản được đảm bảo. Cạnh đó, biện pháp này còn giảm bớt những gánh nặng cho cơ quan, đơn vị xử lý vi phạm về thời gian, mất diện tích trụ sở để làm kho, bãi giữ xe".
Những băn khoăn của người dân đã được Bộ Công an giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây. Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ.
Đến tháng 9/2019, tại các đơn vị địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được. Trong số trên, có tới 37.006 phương tiện đã hư hỏng, không thể sử dụng được.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục đăng trên phương tiện đại chúng. Bởi thực tế, nếu các phương tiện bị cơ quan chức năng tịch thu do vi phạm thì đối với những chiếc xe đẹp thì sau vài ngày chủ xe sẽ đến nhận. Còn ùn lại toàn là những xe không có giấy tờ đăng ký, xe được "độ", "chế", đục lại số khung, số máy…
"Theo quy định, cơ quan chức năng phải yêu cầu họ chứng minh xe hợp pháp mới cho nhận lại xe, khi họ không chứng minh được thì phải giữ lại xe và tìm chủ sở hữu. Sau 1 tháng tạm giữ phải ra quyết định tịch thu nhưng địa phương không thực hiện được khiến lại ùn lần 2. Nếu không xử lý nhanh thì Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để trả tiền lưu bãi.
Đơn cử như 1 phương tiện tiền kho bãi là 16.000 đồng/ngày, tạm giữ 30 ngày, đến khi bán đấu giá chỉ được 500.000-700.000 đồng/ xe. Như vậy, Nhà nước phải bỏ thêm ngân sách ra trong quá trình lưu kho bãi. Vì vậy, xe cũ nát phải có phương án rút ngắn thời hạn và đơn giản hóa thủ tục đăng trên phương tiện đại chúng", ông Giang phân tích.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: Cần sớm hoàn thiện quy định người dân đặt tiền để bảo lãnh phương tiện vi phạm. Còn với các phương tiện có giá trị thấp, không có giá trị lưu hành thì cần rút ngắn thời gian thanh lý bằng biện pháp tiêu hủy hoặc bán phế liệu.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)