Tại phiên giải trình của Uỷ ban Pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm giao thông vừa được tổ chức mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 248.938 ô tô và gần 4 triệu mô tô.
Đến tháng 9/2019, tại các đơn vị địa phương còn tồn đọng 136.989 xe vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được. Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, có đến 37.006 phương tiện không còn sử dụng được, chỉ có thể bán sắt vụn.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều bãi trông giữ các phương tiện vi phạm bị lực lượng CSGT tạm giữ. Điểm chung của các khu vực này là rơi vào tình trạng quá tải do chủ nhân không đến nộp phạt và hoàn tất giấy tờ để lấy xe. Điều này đã dẫn đến số lượng lớn phương tiện vi phạm đang sắp trở thành sắt vụn do phơi mưa, phơi nắng suốt nhiều năm qua.
Đơn cử như tại bãi giữ xe vi phạm tại số 360 đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích khoảng 4.000m2, chỉ một phần nhỏ diện tích của bãi được trang bị hệ thống mái che, phần lớn phương tiện vi phạm khi được tập kết về đây đều phải phơi mình ngoài trời.
Tại đây có thể dễ dàng bắt gặp cảnh hàng nghìn chiếc xe bị phủ kín bụi, cỏ dại quấn quanh. Nổi bật nhất là xe Toyota TT phiên bản thể thao hai cửa có giá gần 2 tỷ đồng bị bủi phủ kín.
Một nhân viên trông giữ xe trong bãi cho biết: "Không hiểu vì lý do gì nhiều phương tiện vi phạm bị lực lượng CSGT tạm giữ cả năm nay nhưng không có người chủ tới giải quyết vụ việc. Ngoài ra, một số xe ga đắt tiền, xe độc, hiếm như Julio, Scoppy là xe nhập lậu, đeo biển giả khi bị lực lượng CSGT phát hiện thì chủ xe thường "bỏ của chạy lấy người". Bên cạnh đó, nhiều phương tiện bị xử phạt lỗi nặng mà tiền nộp phạt còn hơn cả giá trị xe thì chủ phương tiện hầu như đều bỏ luôn mà không tới lấy".
Còn tại bãi giữ xe vi phạm khu Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) và bãi Hà Cầu (quận Hà Đông), có những chiếc xe Lexus, Porsche, Mercedes, Camry… tiền tỉ đã được đưa về bãi xe trong một thời gian dài mà không có chủ nhân nào đến nhận khiến chiếc xe bị bụi bẩn bám kín.
Một số xe máy thuộc dạng đắt tiền như SH, Dylan, PS, Liberty, LX... cũng rơi vào tình trạng hư hỏng nặng, hoen rỉ chẳng khác gì những đống sắt vụn.
Tại các bãi giữ xe vi phạm khác ở Hà Nội, tùy vào quy mô của mỗi bãi tạm giữ mà số xe cất giữ được có thể từ vài trăm đến hàng nghìn chiếc. Có những bãi tạm giữ được lợp mái che, lát sân gạch hoặc sân bê tông nhưng cũng có những bãi chỉ là nền cát và lộ thiên ngày này qua tháng khác. Vào ngày nắng, những chiếc xe như căng mình chống lại ánh nắng gay gắt rồi dần dần vỡ vụn. Còn những ngày mưa, những chiếc xe này đành chấp nhận số phận rồi cũng dần han gỉ. Những phương tiện này đang có nguy cơ trở thành đống sắt vụn…
Nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra do quy định mức nộp tiền bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt đóng tối đa của khung hình phạt dành cho hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục bảo lãnh còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thuận tiện cho người vi phạm. Do vậy, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Bàn về vấn đề trên, ông Trần Hữu Minh (Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia) cho rằng, việc cho đặt tiền để bảo lãnh xe có khả thi hay không phụ thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị các điều kiện gián tiếp để thực hiện có đầy đủ không. Cụ thể là nền tảng các quy định pháp luật khác để hỗ trợ, các điều kiện về nguồn lực con người, trang thiết bị, cũng như công tác phối hợp trong xử lý vi phạm và tuyên truyền.
"Chắc hẳn, sẽ có nhiều ý kiến lo ngại, nếu đề xuất này thành hiện thực sẽ tác động không tốt đến ATGT, người vi phạm sẽ "nhờn luật" khi họ nghĩ rằng khi vi phạm không lo giữ bị giữ phương tiện, cứ nộp tiền là xong. Nhưng trong điều kiện của Việt Nam, chính việc phức tạp hóa quy trình xử phạt có thể là một nguyên nhân dẫn tới những bất cập tiêu cực. Khi quy trình xử phạt rườm rà thì ngay bản thân lực lượng chức năng cũng khó thực hiện và qua đó cũng có thể dẫn tới bỏ qua vi phạm. Bởi vậy đơn giản hóa quy trình xử phạt là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế hiện nay", ông Minh nhấn mạnh.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)