Hơn 33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập: Bình thường hay bất bình thường?

16/07/2023 16:02:26

Cuộc đua của phụ huynh tìm một suất học cho con ở trường ngoài công lập trở nên gay gắt. Tổng hợp số liệu những năm qua cho thấy tỷ lệ học sinh tuyển vào lớp 10 công lập năm nay giảm so với những năm trước, khiến cho cuộc đua vào trường công trở nên khốc liệt hơn.

Một số năm gần đây, tuyển sinh vào lớp 10, đầu cấp THPT, tại Hà Nội trở nên căng thẳng, thậm chí còn được cho là "khó hơn cả thi vào đại học".

105.000 thí sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10 để cạnh tranh 72.000 suất vào lớp 10 công lập. Trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, hơn 33 ngàn học sinh trượt lớp 10 đã gây ra một làn sóng các tranh cãi, tương tự như những gì diễn ra với tuyển sinh vào 10 năm học 2022-2023 và những năm trước. Cuộc đua của phụ huynh tìm một suất học cho con ở trường ngoài công lập trở nên gay gắt.

Tổng hợp số liệu những năm qua cho thấy tỷ lệ học sinh tuyển vào lớp 10 công lập năm nay giảm so với những năm trước, khiến cho cuộc đua vào trường công trở nên khốc liệt hơn.

Tiền Phong xin giới thiệu góc nhìn của TS Đỗ Ngọc Quyên, chuyên gia giáo dục độc lập về chuyện thừa thiếu trường lớp tại Hà Nội từ câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua:

Hơn 33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập: Bình thường hay bất bình thường?
Chen chân đăng ký cho con vào lớp 10.

Cơ hội nào cho học sinh hoàn tất bậc học THCS?

Theo thiết kế của hệ thống giáo dục phổ thông, học sinh tốt nghiệp THCS có thể vào học ở các trường THPT công lập, công tự chủ, tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề (TTGDTX-TTDN), và các cơ sở dạy nghề.

Chỉ tiêu tuyển sinh cho khối trường công lập chiếm khoảng 55-60% trong khi khối các TTGDTX-TTDN đảm nhận khoảng 7%. Hệ thống các trường công tự chủ và tư thục có thể nhận khoảng 23%. Số 13% còn lại được "phân luồng" vào khối dạy nghề, theo các chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước.

Xét một cách cơ học, các loại hình trường như vậy và tỷ trọng phân bổ chỉ tiêu như vậy đảm bảo sự đa dạng, và về lý thuyết, tạo nhiều cơ hội cho người học có trình độ, nguyện vọng, thiên hướng khác nhau. Ở góc độ này, việc 33 ngàn học sinh trượt công lập dường như là một việc rất bình thường.

Cái gì bất bình thường?

Chênh lệch chất lượng quá lớn giữa các trường THPT công lập ở nội và ngoại thành Hà Nội.

Một trong những chỉ số chất lượng dù không được chính thức sử dụng nhưng lại trải qua sàng lọc khắc nghiệt của ‘thị trường’ chính là tỷ lệ chọi và điểm chuẩn.

Tỷ lệ chọi (tính theo đăng ký nguyện vọng 1) ở những trường top đầu như THPT Chu Văn An, THPT Yên Hoà, THPT Kim Liên cao gấp 4-5 lần các trường thuộc nhóm thấp nhất. Điểm chuẩn ở nhóm trường này liên tục tăng trong những năm gần đây. Điểm chuẩn tuyển sinh năm học 2023-2024 cho thấy để giành được một suất trong nhóm trường top đầu các quận nội thành, điểm trung bình mỗi môn phải trên 8, thậm chí suýt soát 9 như THPT Chu Văn An. Trong khi đó, với nhóm dưới có tới 27 trường (trong tổng số 116 trường công lập toàn thành) có mức điểm chuẩn dưới 25. Một số trường chỉ cần điểm trung bình 3 điểm/môn đã đỗ.

Hơn 33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập: Bình thường hay bất bình thường? - 1
Ảnh mang tính minh họa.

Do quy định và cách thức đăng ký nguyện vọng, một số thí sinh có điểm trung bình ở mức khá (7-8) có thể không đỗ vào trường công lập (đã đăng ký) nào cả.

Luồng chảy gò ép qua sàng lọc ngặt nghèo

Khi đánh giá các nền giáo dục phổ thông trên thế giới, một chỉ số quan trọng là “freedom of school choice” (tự do lựa chọn giáo dục). Việc đa dạng hoá các loại hình trường học là để tạo nhiều cơ hội lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp cho người học. Đây được hiểu là sự lựa chọn chủ động của người học và phụ huynh. Việc lựa chọn chủ động này được thực hiện nhờ những yếu tố: chất lượng đào tạo được đảm bảo; giáo dục miễn phí/trợ cấp (kể cả trường tư, để đảm bảo học phí không phải là yếu tố cản trợ lựa chọn giáo dục); phát triển hướng nghiệp từ bậc THCS.

Với những thiết chế và chính sách hiện tại, thực tế cho thấy người học và phụ huynh hầu như không có lựa chọn, cho dù các loại hình trường đều tồn tại. Về lý thuyết, học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng, tuy nhiên luồng người học chảy theo bộ lọc trình độ từ các trường công lập (hơn 80% đăng ký thi vào 10 công lập), và số rớt bộ lọc này mới tiếp tục chảy đến trường tư, các trung tâm giáo dục và dạy nghề.

Đáng lưu ý rằng, số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 của Hà Nội là hơn 129 ngàn, trong đó khoảng 104 ngàn đăng ký thi vào lớp 10. Số 25.000 học sinh, xấp xỉ 20%, chủ động bỏ học hoặc chuyển hướng học nghề; một số ít nhập học các trường quốc tế cao cấp hoặc du học. Số 104.000 thí sinh đăng ký thi vào 10 là những học sinh có nguyện vọng tiếp tục học cấp 3 hệ phổ thông chuẩn.

Sau khi trượt trường công, những học sinh và gia đình các em có thực sự có lựa chọn? Không hẳn, mà cuộc đua tiếp tục diễn ra ở những trường tư và công lập tự chủ tài chính. Như vậy, sau bộ lọc "trình độ" (đo lường bằng điểm chuẩn), thì đến bộ lọc kết hợp của vừa trình độ, khả năng tài chính (đo lường bằng mức học phí có thể chi trả) và nhiều tiêu chí khác. Lúc này, một suất học tại một trường nào đó không phải là lựa chọn mong muốn mà là sự buộc "phải chấp nhận" "lựa chọn cay đắng" vì không có lựa chọn khác tốt hơn.

Trong số vài chục ngàn học sinh trượt công lập, có những học sinh vẫn còn có thể có lựa chọn cuối cùng là một trường tư thục chẳng hạn, có những những người không có lựa chọn nào cả.

Mức học phí trường PTTH công lập được công bố là 300.000 đồng/tháng, trong khi học phí tại các trường công tự chủ cao gấp 8-18 lần (THPT Nguyễn Tất Thành là 2,4 triệu /tháng; THPT Phan Huy Chú 5,8 triệu/tháng). Học phí tại các trường THPT tư thục trung bình 7-10 triệu/tháng, cao gấp 20-30 lần so với trường công. Ngoài ra một số trường tư thục cao cấp như Olympia, Dewey... học phí vài trăm triệu một năm chỉ dành cho các gia đình có thu nhập cao.

Loại hình trường đủ cả. Số lượng trường cũng có thể không thiếu. Chỉ có điều dường như người học và phụ huynh đã không đi theo luồng mà các nhà quản lý dự tính.

Ai bị bỏ lại phía sau? Có hay không sự bất công do giàu nghèo

Kết quả khảo sát do UNICEF công bố trong Vietnam Education Factsheets 2022, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục phổ thông ở Việt Nam ngày càng lớn. Năm 2021, tỷ lệ trẻ em ‘không đi học’[1] ở bậc THPT là 22%. Có tới 47% trẻ trong nhóm 20% dân số nghèo nhất bỏ học cấp 3, trong khi với nhóm 20% dân số giầu nhất, 98% trẻ được đi học. Với các nhóm dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn, số trẻ được đi học trung học cao hơn.

Trong các chỉ số Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giáo dục còn có tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục ở các cấp học[2]. Việt Nam chỉ có 59% dân số trong độ tuổi 21-23 hoàn thành trung học. Trong nhóm 20% người giầu nhất, tỷ lệ hoàn thành trung học lên tới 92%, trong khi trong nhóm 20% người nghèo nhất, chỉ có 31% học xong cấp 3. Như vậy, cả chỉ số học sinh bỏ học ở bậc THPT và người trong nhóm tuổi 21-23 không hoàn thành trung học ở nhóm dân số nghèo nhất đều cao hơn nhiều lần so với nhóm dân số giàu nhất.

Bức tranh này dường như ánh xạ cục diện tuyển sinh vào THPT và phần nào làm lộ diện phần lớn trong số hơn 57 ngàn học sinh không vào học công lập (33 ngàn trượt lớp 10 công lập và khoảng 24 ngàn đã không đăng ký thi vào 10). Khoảng 30 ngàn trong số này có hội để vào học các trường tư thục, nếu gia đình đủ khả năng tài chính. Với mức học phí tư thục trung bình khoảng 7-10 triệu/tháng, những hộ gia đình có thu nhập dưới 20 triệu/tháng khó có thể cho con đi học.

Như đã phân tích ở trên, thí sinh có điểm trung môn đạt mức 6-7 điểm vẫn có thể trượt vào lớp 10 ở nhiều khu vực nội thành. Không có bất cứ cơ sở nào để khẳng định mức điểm này là không đủ năng lực để học hệ THPT chuẩn, là ‘dốt’. Như vậy, những học sinh có học lực trung bình khá có thể phải nhường lại suất/ cơ hội đi học trung học cho những học sinh có học lực kém hơn nhưng gia đình giàu có hơn.

Về lý thuyết, vẫn còn chỗ học ở những trường cách nhà 20-30km hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề. Trên thực tế, các phương án này có thể không nằm trong lựa chọn của người học và gia đình vì nhiều lý do chính đáng: an toàn giao thông, thời gian di chuyển, việc quản lý của gia đình, chất lượng đào tạo và cơ hội cạnh tranh vào đại học, thời gian học tập, vv.

Những vấn đề từ nhận thức, thái độ của xã hội

Hành vi và quyết định của phụ huynh, học sinh trong việc lựa chọn trường, chương trình giáo dục trung học chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố nội tại, tự thân, nhưng cũng có nhiều yếu tố bên ngoài, khách quan.

Ngoài những yếu tố như học lực, đánh giá về chất lượng đào tạo, khả năng tài chính và hoàn cảnh gia đình, quan niệm của xã hội có tác động không nhỏ. Không đỗ vào công lập bị nhìn nhận là ‘dốt’; mà “dốt thì học giáo dục thường xuyên, học nghề thôi”, là suy nghĩ không hiếm gặp, ngay cả đối với một số người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Việc không muốn bị nhìn nhận là (con) ‘dốt’, là ‘thất bại’ cũng khiến việc phân luồng giáo dục trung học không đạt được mục đích.

Người học có muốn đi tiếp tục được đi học? Câu trả lời là Có, với con số gần 105 ngàn học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Tuy nhiên phụ huynh và học sinh ngày càng thực tế hơn, họ sẽ không chọn tiếp tục học bằng mọi giá nếu như việc học không đem lại giá trị. Trong số 116 trường THPT công lập, có 10 trường có số đăng ký nguyện vọng 1 thấp dưới mức chỉ tiêu, trong khi số nguyện vọng 2 và 3 vào 10 trường này cao gấp 5-7 lần nguyện vọng 1. Có thể diễn giải rằng đây là phương án dự phòng cho các trường tốp trên và rằng người học đã chấp nhận một ‘khoảng cách’ đáng kể, kể cả chất lượng và không gian, để được tiếp tục đi học. Tuy nhiên do đối tượng người học là vị thành niên, tính ‘di động’ (mobility) của người học hoàn toàn khác biệt với sinh viên đại học. Chính sách giáo dục đối với giáo dục phổ thông, kể cả bậc trung học, có tính ‘địa phương’, tuyển sinh phân theo ‘khu vực’, do vậy, không thể ‘điều chuyển’ học sinh cư trú ở Từ Liêm đi học ở Sóc Sơn, trừ khi có trường nội trú.

Thay cho lời kết

Do đặc thù địa bàn Hà Nội rộng, bao gồm cả những vùng kinh tế, xã hội, giáo dục phát triển nhất trong nước lẫn những khu vực khó khăn nhất. Sự chênh lệch quá lớn giữa các khu vực nội và ngoại thành là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách giáo dục cho Hà Nội. Đã đến lúc vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn và kỹ lưỡng hơn để có chính sách phù hợp thay vì những thống kê mang tính bề mặt để rồi những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong những gia đình khó khăn và ở vùng nông thôn, vốn chịu nhiều thiệt thòi, tiếp tục gánh chịu thiệt thòi khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, và cơ hội vươn lên thông qua giáo dục ngày càng thu hẹp.

Ở một số quốc gia, giáo dục trung học là miễn phí, bất kể công, tư. Một số khác khuyến khích người dân hoàn thành trung học bằng cách cấp ngân sách cho trường tư để đưa học phí về ngưỡng ‘có thể chịu đựng được’, đảm bảo rằng tài chính không phải là rào cản tiếp cận giáo dục phổ thông. Ngoài chính sách tài chính, cần xem xét quy mô đào tạo công/tư cho bậc trung học. Chỗ học ở trường tư xấp xỉ 50% của trường công chắc chắn là vấn đề lớn khi thống kê nhóm 72 ngàn học sinh vào học công lập theo điều kiện kinh tế của gia đình (thu nhập của bố mẹ). Song song với đó phải là các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thu hẹp khoảng cách chất lượng đào tạo giữa các trường công lập bằng ngân sách địa phương cho giáo dục.

Người viết ý thức rất rõ rằng phổ cập giáo dục KHÔNG áp dụng ở bậc trung học, nhưng cần chấm dứt những cái phủi tay hết năm này qua năm khác bằng những con số rằng “trường không thiếu”, “dốt thì học nghề thôi”. Việc định danh học sinh toàn thành phố qua mã số học sinh và cơ sở dữ liệu dân cư hoàn toàn cho phép theo dõi những đứa trẻ của chúng ta từ đâu đến, đang và sẽ đi đâu.

TS Đỗ Ngọc Quyên

[1] Trẻ em ‘không đến trường’ được định nghĩa là trẻ trong độ tuổi chính thức của một bậc học mà không đến trường đi học. Đối với THPT, độ tuổi này là 15-19. Tỷ lệ này là một trong những chỉ số SDG (SDG 4.1.4). Chỉ số này đã tính trẻ đi học cả hệ phổ thông và hệ dạy nghề.

[2] Tỷ lệ hoàn thành bậc học được tính là phần trăm những người/ trẻ trong nhóm tuổi lớn hơn 3 đến 5 năm so với tuổi tương ứng với năm học cuối cấp đã hoàn thành chương trình giáo dục bậc đó. Đối với bậc THPT, tuổi tương ứng với năm cuối cùng của bậc học là 12+6 =18; độ tuổi được tính cho chỉ số này là 21 (18+3) đến 23 (18+5).

Theo Nghiêm Huê - Ảnh Trọng Tài (Tiền Phong)