Hơn 25.000 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội bị gãy đổ do cơn bão số 3

09/09/2024 08:50:51

Tại Thủ đô Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh gãy đổ trong cơn bão số 3 đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội về tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra, tính đến tối 8/9, trên địa bàn Hà Nội đã có 3 người chết và 17 người bị thương. Trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão số 3; số người chết và bị thương còn lại xảy ra do dông lốc, gió giật mạnh, cây đổ vào chiều 6/9.

Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây (tăng hơn 10.000 cây so với báo cáo trước đó), tập trung nhiều các quận huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm,…  Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Hơn 25.000 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội bị gãy đổ do cơn bão số 3
Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Mưa bão, giông lốc ảnh hưởng nhiều tới lưới điện của thành phố, gây mất điện diện rộng; trong đó, lưới điện 110kV có 12 tuyến đường dây bị nhảy sự cố; lưới điện trung áp có 23 đường dây; 5 trạm bị sự cố đã được cấp điện lại ngay. 248 đường dây trung áp và 4 trạm biến áp ở khu vực ngoại thành bị sự cố, 38 cột gãy đổ gây mất điện diện rộng tập trung ở các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì.

Về tình hình ngập úng, do mưa lớn, đã xuất hiện 20 điểm ngập úng khu vục đô thị lúc 0h ngày 8/9, tới tối cùng ngày đã không còn tình trạng úng, ngập. Trong khi đó, theo báo cáo của các quận, huyện ngoại thành, tính đến thời điểm hiện tại mưa lớn làm cho 593,6ha diện tích lúa, 231,8ha rau màu bị ngập; 14.969,7ha lúa và 973,4ha rau màu bị đổ; 126,3ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.

Mưa bão cũng gây ra sạt lở, ngập lụt; cụ thể: huyện Thạch Thất sạt lở 150m3 đất tại xã Yên Bình, Thạch Xá. Huyện Chương Mỹ sạt lở 5m đê Bùi II, ngập 300m đường giao thông nội đồng, 2.740m đường giao thông nông thôn, 33 hộ, 5 xóm, 1 nhà văn hóa, 2 di tích bị ngập, 1.400m2 chuồng trại bị sập, đổ, 10.388 mái tôn bị tốc, hỏng, 115 cột điện bị gãy đổ.

Huyện Quốc Oai sạt lở 6m tại điếm canh đê, 2 cột điện bị đổ, 10 mái tôn bị tốc mái, 20m đường giao thông bị sạt lở. Huyện Ba Vì sạt lở 10m mái đê hữu Hồng, xuất hiện hiện tượng sụt lún cơ kè tại đê hữu hồng tại xã Cổ Đô, đổ gãy 13 cột điện, sập đổ 1 nhà bếp, 7 hộ bị ngập tại xã Thuần Mỹ đã được di dời an toàn, 8 thuyền đánh cá bị chìm ở xã Cổ Đô và Chu Minh, 2.030 gia cầm bị chết.

Cùng với thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra thì hiện nay, sau bão, một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ nên đã khiến mực nước trên sông Tích tại Kim Quan đạt báo động III, sông Bùi tại Yên Duyệt đạt báo động II. Đặc biệt, mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Hà Nội đang rất cao, như: Đồng Mô mở 4 cửa xả lũ; Suối Hai, Tân Xã, Xuân Khanh, Đồng Quan, Đền Sóc… đều bị vượt ngưỡng tràn cấp 3; Đồng Đò phải xả tràn 0,1m.

Thành phố Hà Nội đang huy động lực lượng ứng trực và vào cuộc khắc phục hậu quả trên mọi lĩnh vực. Tối 8/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng ký ban hành Công điện số 12 về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. 

HL (SHTT)

Nổi bật