Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, trong đó ưu tiên hàng đầu việc triển khai thực hiện là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên quỹ đất cho phát triển giáo dục để hạn chế dần tình trạng quá tải trường lớp, nhất là tại các thành phố lớn.
Từ nhiều năm nay, nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang đứng trước bài toán mật độ dân số đông, cơ sở giáo dục thiếu quỹ đất dẫn đến quá tải trường lớp, quá tải sỹ số học sinh. Nguyên nhân là do tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã gây áp lực lên toàn bộ hệ thống hạ tầng từ nhà cửa, công viên cho đến trường học.
Thực tế cho thấy, quỹ đất vẫn chủ yếu tập trung phát triển dân cư, nhà máy, đất dành cho giáo dục chưa thực sự được quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, một trong những 9 nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung giải quyết trong năm học 2019-2020 là đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch trường lớp, trong đó ưu tiên quỹ đất phát triển trường học.
Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các địa phương phải chấm dứt tình trạng thiếu trường học tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới.
Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa tăng cao, Hà Nội đã và đang nỗ lực giải quyết bài toán này. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học mới 2019-2020, toàn thành phố có 2.746 trường học các cấp với gần 3 triệu học sinh, tăng 40.000 học sinh so với năm học trước. Để đảm bảo có đủ chỗ học cho học sinh trong năm học mới, toàn thành phố đã có 67 trường học các cấp xây dựng mới (34 trường thành lập mới) với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn thành phố cũng đã cải tạo 407 trường học các cấp với tổng số tiền 5.200 tỷ đồng; mua sắm các trang thiết bị chuẩn bị cho năm học với tổng số tiền hơn 745 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng đã rà soát xong mạng lưới trường lớp trên toàn thành phố đến năm 2025, trong đó tập trung ưu tiên quỹ đất cho phát triển giáo dục.
Bên cạnh đó, Hà Nội cho biết sẽ chú trọng giải pháp giảm sĩ số học sinh/lớp ở các trường có sức hút cao sang các trường có sức hút thấp, gắn với việc nâng cao chất lượng dạy học tại các trường này bằng cách tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, luân chuyển cán bộ, giáo viên…
Năm học 2019-2020, toàn thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 75.000 học sinh. Để đảm bảo 100% chỗ học cho con em trên địa bàn, thành phố cũng đã đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới. Bên cạnh cơ sở vật chất, công tác tuyển dụng giáo viên được thành phố chú trọng. Năm học 2019-2020 là năm thứ hai thành phố thực hiện chủ trương bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và thu hút số ứng viên ứng tuyển lớn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngay trong dịp hè, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương và nhà trường phải rà soát toàn bộ lại hệ thống cơ sở vật chất để lên phương án cải tạo nhà cửa, phòng học; rà soát, thống kê cơ sở vật chất hiện có để sửa chữa, bổ sung, thay thế các công trình xuống cấp.
Bên cạnh việc bố trí đủ phòng học cho học sinh, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiên quyết không đưa những công trình xuống cấp vào sử dụng. Nếu như địa phương để xảy ra tình trạng nhà sụp, trách nhiệm chính sẽ thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý.
Chia sẻ với báo chí trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm học 2019-2020, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra. Trong đó, cùng với các nhiệm vụ thường xuyên như đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, một trong những nhiệm vụ mà ngành giáo dục đặc biệt ưu tiên trong năm học 2019-2020 là tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để “tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là khẩu hiệu suông, để hoạt động "dạy người" trong nhà trường có chuyển biến thiết thực, rất cần sự nêu gương của đội ngũ thầy cô. Trong đó, vai trò của các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội có vị trí then chốt.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo việc đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh theo hướng thuyết phục, thực chất và cụ thể hơn; yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo trên cả nước chú trọng thực hiện các nhiệm vụ để tạo ra môi trường làm việc, học tập lành mạnh, cùng nhau lan tỏa và nêu gương những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và sáng tạo.
Đặc biệt, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổ chức đánh giá tổng kết thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" để từng bước nhân rộng ra các nhà trường phổ thông. Tuy vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Trong đó, với học sinh, cha mẹ có vai trò như là "thầy cô" lúc ở nhà vậy. Còn xã hội chính là môi trường sống hằng ngày của học sinh...
Nhiều trường học tại Hà Nội hưởng ứng khai giảng không bóng bay
Nhiều trường học tại Hà Nội cho biết, sẽ không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 để bảo vệ môi trường theo ý tưởng của một học sinh trường Marie Curie. Trước đó, học sinh Nguyệt Linh, cựu học sinh lớp 5, trường Marie Curie Hà Nội đã có thư ngỏ đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng gửi tới hơn 40 trường học trên địa bàn Hà Nội. Ngay sau khi bức thư “đánh thức” người lớn nâng cao tác hại của rác thải nhựa từ việc thả bóng bay trong lễ khai giảng được lan truyền rộng rãi, nhiều trường học cho biết sẽ hưởng ứng sáng kiến này nhằm chung tay bảo vệ môi trường.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đây là việc nên nhân rộng và khuyến khích. Bộ GD&ĐT mong muốn có nhiều hơn nữa những ý tưởng tốt về bảo vệ môi trường của các em học sinh. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.
Theo Huyền Thanh (CAND Online)