Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đề xuất tiếp tục duy trì khung giờ ra vào học lệch ca, lệch giờ như đã áp dụng từ năm 2007 đến nay. Bên cạnh đó là tăng cường xử phạt phụ huynh đậu xe trái quy định.
Ùn tắc giao thông vào giờ tan học trước các cổng trường là chuyện thường ngày. Trong ảnh: bảo vệ tổ dân phố điều tiết giao thông trước cổng trường tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Sáng 5-10, Viện nghiên cứu phát triển thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả việc thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ trong ngành giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm 2007 đến nay.
Đưa vào thực hiện từ năm học 2006-2007 đến nay, đề án lệch ca, lệch giờ trong ngành giáo dục được áp dụng cho bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Theo đó việc vào học và tan học của các bậc học này sẽ lệch nhau 15 phút nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.
Tăng đưa đón học sinh bằng xe buýt trợ giá
Trao đổi tại hội thảo, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết hiện nay thành phố có khoảng hơn 8 triệu phương tiện cá nhân, chưa tính xe từ các tỉnh vào làm việc hằng ngày.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông lại chưa được quy hoạch đồng bộ, phía trung tâm và vùng ven có sự mất cân đối, hạ tầng các phương tiện công cộng chưa hoàn thành khiến việc ùn ứ thường xuyên diễn ra.
Việc giảm ùn tắc giao thông cần phối hợp nhiều giải pháp, trong đó áp dụng lệch ca, lệch giờ là phương án tương đối hiệu quả nhưng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ trước khi áp dụng phổ biến.
Việc bố trí lệch giờ học được đánh giá là giúp giảm ùn tắc giao thông - Ảnh: H.HG. |
Còn theo đại diện Sở Giáo dục và đào tạo, mỗi năm học trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện ký kết liên tịch với phía Công an thành phố để đảm bảo an toàn giao thông giờ cao điểm.
Ngoài ra đối với các trường học có sân rộng, sở đề nghị trường cho phụ huynh vào trong để trong lúc đợi con tan học tránh gây ùn tắc giao thông tại khu vực trước cổng trường.
Đối với các trường có diện tích nhỏ thì cần phối hợp với địa phương để bố trí chỗ cho phụ huynh đợi đón con. Các trường quốc tế phải phối hợp với địa phương để hỗ trợ.
Sở Giáo dục và đào tạo cũng đề xuất tiếp tục duy trì khung giờ ra vào học lệch ca, lệch giờ như đã áp dụng từ năm 2007 đến nay. Ngoài ra tại mỗi trường cần xem xét bố trí cho các khối học có lệch học lệch nhau.
Biện pháp cần được chú trọng nhất là các trường phải tăng cường đưa đón học sinh bằng xe buýt có trợ giá. Sở Giáo dục và đào tạo cũng đề xuất Sở Giao thông vận tải nâng cao chất lượng xe buýt để phụ huynh an tâm hơn khi cho con đi học bằng xe buýt.
Tại hội thảo, đại điện một số trường học tại trung tâm và vùng ven thành phố cũng đã trình bày tình hình thực hiện áp dụng lệch ca, lệch giờ của trường và hiệu quả đạt được, khó khăn gặp phải.
Phạt nghiêm phụ huynh đậu xe trái quy định
Xe hơi thản nhiên vô đường cấm và đậu hàng dài gây kẹt xe trên đường Nguyễn Thượng Hiền - Ảnh: TH.TƯỜNG |
Tại Hội thảo, đại biểu cũng phân tích nguyên nhân gây kẹt xe tại các trường và đề xuất giải pháp xử lý.
"Kinh tế ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện đến đón con bằng ôtô riêng ngày một nhiều. Phụ huynh đón con bằng ôtô chưa chấp hành việc phải đậu xe cách cổng trường 50m, theo quy ước, dễ gây ùn tắc.
Một số trường học gần các nút giao thông, gần chợ, mặt đường chật hẹp, dễ gây ùn tắc trước cổng trường khi tan học. Một số trường không có sân đủ rộng để phụ huynh vào trường chờ đón con" - Tiến sĩ Dư Phước Tân - trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích.
Ông Tân cho biết theo Nghị định 46/NĐ-CP, việc dừng, đậu xe không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng; nếu trong quá trình dừng, đậu xe trái quy định mà gây ra tình trạng ùn tắc giao thông có thể bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự nhiều địa phương trong thời gian qua chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, gây ra việc "lờn" với việc thực thi theo quy định của pháp luật.
Ông Tân đề nghị phải kiên quyết xử phạt để tránh tình trạng vi phạm trước cổng trường trở thành thói quen.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Bích Hằng (Q.Bình Thạnh) nói chị ủng hộ tiếp tục thực hiện việc lệch ca, lệch giờ trong giáo dục. Chị đưa ra ví dụ: trên cùng một con đường tồn tại hai trường cấp 2 và cấp 3, việc cho học sinh ra về lệch giờ nhau sẽ giúp giảm áp lực giao thông rất nhiều, tránh tình trạng cả ngàn xe cùng chen chúc nhau vào một thời điểm. |
Theo Hoàng Hương - Lê Phan - Hồng Phương (Tuổi Trẻ)