7h sáng, Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ khoảng 28 độ C. Tại trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, phụ huynh đưa con đến từ lúc 6h30 để dự lễ khai giảng. Đường Tôn Thất Tùng chạy qua cổng trường bị ùn tắc, lực lượng an ninh khu vực và bảo vệ của trường phải đứng phân luồng.
Ngay cổng trường, một bàn đặt nước rửa tay được bố trí cho học sinh và phụ huynh. Phía bên phải, một backdrop với dòng chữ "Trường học hạnh phúc" được dựng lên cùng hoa và bóng bay. Những bản nhạc vui nhộn được mở liên tục, tạo không khí hào hứng cho cả phụ huynh và học sinh. Nhiều người tranh thủ chụp cho con những tấm ảnh kỷ niệm trong buổi khai giảng.
Dưới sân trường, khoảng 700 ghế ngồi được chuẩn bị cho học sinh 17 lớp. Để đảm bảo giãn cách, trường Tiểu học Khương Thượng tổ chức cho học sinh các lớp còn lại ngồi tại hành lang theo dõi buổi lễ. Khi đến trường, học sinh tập trung tại lớp để giáo viên chủ nhiệm kiểm tra sĩ số, phát khẩu trang nếu em nào quên, sau đó di chuyển ra khu vực ghế ngồi. Lễ khai giảng bắt đầu vào 7h30.
Khu vực Mỹ Đình tập trung nhiều trường tư thục và thường bắt đầu khai giảng từ 8h nên phải đến 7h30, học sinh mới tập trung. Ngoài các con phố như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Văn Lại, xe đưa đón học sinh nối dài. Tất cả phụ huynh và học sinh đến trường đều đeo khẩu trang.
Tại trường Marie Curie, từ 7h30, học sinh khối 6 tập trung tại sân trường. Các em mặc đồng phục, đeo khẩu trang vải do trường phát, cầm cờ đỏ sao vàng và hoa. Trên các lớp học, học sinh ngồi theo đơn vị lớp dự lễ khía giảng qua livestream để đảm bảo giãn cách. Khác với năm ngoái, chỉ một số phụ huynh đại diện có mặt tại trường thay vì các phụ huynh đều có thể dự.
Nguyễn Phương Diệp Anh, lớp 6M1, tỏ ra hào hứng khi được dự lễ khai giảng ở trường mới. Dù mới đến trường ngày thứ ba, Diệp Anh đã nhớ hết tên các bạn trong lớp. "Em đã rất lo phải học trực tuyến đó Covid-19. Vì vậy khi được đến trường, em rất háo hức. Em mong năm học mới mình sẽ có sức khỏe tốt và đạt được kết quả tốt trong học tập", Diệp Anh nói.
Đúng 8h, lễ chào cờ diễn ra. Học sinh đồng loạt tháo khẩu trang, đứng nghiêm chào cơ và hát Quốc ca. Hết lễ chào cờ, tất cả lại đeo khẩu trang, ngồi lắng nghe cô phó hiệu trưởng đọc thư chúc mừng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Sau phần đọc thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang lên phát biểu khai giảng, nhấn mạnh chủ đề năm học là "Năm học phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng". Sau đó, tiết mục văn nghệ "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid" kết thúc lễ khai giảng. Từng lớp theo lời giới thiệu của MC lên sân khấu chụp ảnh kỷ niệm.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, để đảm bảo phòng chống Covid-19, trẻ mầm non khai giảng trong lớp học từ 8h30 đến 10h, không quá 60 phút. Học sinh tiểu học, THCS, THPT khai giảng tại sân trường, từ 7h30 và không quá 45 phút. Học sinh đứng giãn cách, đeo khẩu trang. Các tiết mục diễu hành, thả bóng bay, văn nghệ bị cắt giảm.
Năm học này, thành phố có 2,1 triệu học sinh, tăng hơn 67.000 so với năm ngoái, nhiều nhất cả nước. Dù đã xây mới 44 trường học, sĩ số học sinh mỗi lớp ở các quận đông dân như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa... vẫn trên 50 em.
7h ngày 5/9, thời tiết TP HCM mát mẻ, trời tạnh ráo. Trên khắp tuyến đường, phụ huynh chở con trong những bộ đồng phục học sinh nối đuôi nhau đến trường dự lễ khai giảng.
Tại trường THPT Lê Quý Đôn, gần 500 học sinh lớp 10 tập trung tại sân trước theo từng lớp, nam mặc quần tây áo sơ mi trắng, nữ mặc áo dài. Dọc lối đi từ cổng chính vào sân trường, học sinh đứng hai hàng thẳng tắp, vỗ tay chào đón khi thầy cô hoặc khách mời bước vào.
Học sinh một số lớp tranh thủ chụp ảnh lưu niệm đầu năm. Lê Hoàng Minh (lớp 10A4) cho biết đã chuẩn bị cho lễ khai giảng từ chiều qua, sáng nay tự đi xe máy đến trường, tâm trạng vừa vui, vừa hồi hộp. Học lớp 9 tại một trường THCS ở quận 7 trong bối cảnh Covid-19, Minh cùng nhiều bạn phải học trực tuyến nhiều tháng, nhưng nỗ lực để đạt thành tích tốt, vào ngôi trường THPT top đầu.
"Năm nay, em chỉ hy vọng dịch bệnh được dập tắt, mọi thứ bình thường trở lại để chúng em được hưởng một năm học trọn vẹn. Em hy vọng mình được học nhiều điều hay trong bậc THPT, nắm chắc kiến thức nhưng vẫn được trải nghiệm niềm vui ba năm trước khi vào đại học", Minh nói.
Đồng cảm cùng học trò, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ nhiệm lớp 10A4 cũng mong ước dịch bệnh qua mau để việc học hành được suôn sẻ. Cô kể, hàng năm vào ngày khai giảng, đồng phục học sinh đều tươm tất nhưng năm nay, mọi việc bị muộn. Học sinh tựu trường ngày 1/9, cô trò mới có vài ngày làm quen nhau. Nhiều em chưa kịp may đồng phục của trường, phải mặc quần áo cũ ở trường THCS. "Nhưng vạn sự khởi đầu nan, mong các em có một năm học thật tốt, được trải nghiệm nhiều ở bậc học mới, đón chào nhiều niềm vui mới", cô Thủy nói.
Bên trong sảnh chính, sân khấu cho lễ khai giảng được gói gọn trong một phần ba khuôn viên. Đại diện học sinh lớp 11, 12 xếp hàng ngay ngắn, giáo viên ngồi giữa, chuẩn bị chào đón học sinh khối 10. Tiếng nhạc rộn rã với những tiết mục văn nghệ chào đón năm học mới.
Năm học này, TP HCM có hơn 1,74 triệu học sinh (tăng hơn 54.600 em so với năm ngoái), học tại 2.350 trường học, trong đó gần một nửa thuộc khối mầm non. Để phòng chống dịch, các trường không tập trung đủ học sinh mà cử đại diện mỗi lớp 10-20 em. Riêng học sinh các khối đầu cấp (lớp 1, 6 và 10) tham dự đủ.
Chương trình khai giảng khoảng 60 phút, gồm văn nghệ chào mừng, nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, tuyên bố lý do, đọc thư của Chủ tịch nước, đánh trống khai giảng. Ở khối mầm non, các trường khai giảng theo hình thức Bé vui đến trường, tạo niềm vui cho trẻ đầu năm học mới.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết ngành giáo dục thành phố xác định 4 sứ mệnh với học sinh gồm: học để trở thành công dân tốt, đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và hội nhập quốc tế; học làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm với gia đình; học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; học để đóng góp cho thành phố và đất nước.
Với giáo dục mầm non, mục tiêu của ngành là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Với giáo dục phổ thông, ngành sẽ đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường các hoạt động giáo dục STEM và nghiên cứu khoa học.
Là tâm dịch Covid-19 với 551 người nhiễm từ ngày 25/7 đến nay, Đà Nẵng không tổ chức lễ khai giảng cho hơn 270.000 học sinh các khối từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố thực hiện chương trình tọa đàm "Đà Nẵng - Chào năm học mới", phát sóng lúc 7h ngày 5/9 trên hai kênh DanangTV1 và DanangTV2.
Nội dung tọa đàm xoay quanh công tác triển khai năm học mới tại nhà trường và địa phương; tâm tư của cán bộ, giáo viên cũng như phụ huynh và học sinh trước thềm năm học mới. Sau buổi tọa đàm, các trường sẽ đăng tải tất cả thông tin có liên quan đến chương trình dạy học, danh sách lớp, giáo viên chủ nhiệm và thông tin cần trao đổi trên website, thư của Chủ tịch nước và lãnh đạo thành phố động viên học sinh trong năm học mới.
Nằm sát tâm dịch Đà Nẵng, 17 ngày qua Quảng Nam chưa ghi nhận thêm bệnh nhân nào, hiện dừng ở 96 người bệnh. Xác định dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, hơn 356.760 học sinh toàn tỉnh tham dự lễ khai giảng đặc biệt. Trong đó, 84.220 học sinh mầm non dự lễ "Ngày hội đến trường của bé" tại lớp học, hiệu trưởng phát biểu trên loa phát thanh của nhà trường.
Cấp tiểu học có hơn 131.600 học sinh nhưng chỉ lớp 1 tham dự buổi lễ khai giảng ở sân trường, những lớp còn lại cử 2 đến 5 học sinh đại diện. Tương tự, THCS 92.370 học sinh chỉ lớp 6 và 48.550 học sinh THPT chỉ lớp 10, các khối còn lại cử 5 đại diện dự lễ.
Tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, buổi khai trong thời tiết nắng nóng. Từ sáng sớm học sinh nam trong trang phục áo trắng, quần dài và nữ áo dài đeo khẩu trang bước vào cổng trường được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Không khí ngày khai giảng với tiếng nhạc, loa phát thanh trường hướng dẫn hướng học sinh tập trung ở sân trường giữ khoảng cách 1,5 m.
Hiệu trưởng Phan Văn Chương cho biết năm học này có hơn 800 học sinh, vừa tổ chức khai giảng nhưng vừa chống dịch Covid-19. Mỗi ngày đến lớp, học sinh phải đo thân nhiệt, thực hiện theo hướng dẫn y tế. Học sinh ở nhà có biểu hiện ho sốt thì gia đình phải báo cho nhà trường biết. Nhà trường chuẩn bị nước sát khuẩn, lau chùi sàn nhà, phòng học đảm bảo cho học sinh an toàn cao nhất.
Năm học 2020-2021, cả nước có gần 23 triệu học sinh từ mầm non đến hết THPT. Sau lễ khai giảng ngày 5/9, học sinh sẽ bắt đầu học kỳ I từ tuần sau và sẽ kết thúc học kỳ trước ngày 16/1/2021, sớm hơn 4 ngày so với khung thời gian cũ. Kỳ II hoàn thành trước 25/5/2021 và năm học kết thúc trước ngày 31/5/2021.
Năm nay ngành giáo dục bắt đầu đưa chương trình và sách giáo khoa mới vào giảng dạy cho học sinh lớp 1, tập trung nâng chuẩn giáo viên các cấp và tiếp tục giải bài toán nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Theo Mạnh Tùng - Dương Tâm - Thanh Hằng - Đắc Thành (VnExpress.net)