Nhưng mặt khác, điều này cũng vô tình gây ra những nguy cơ cao gây vi phạm pháp luật với mức phạt lên đến 15 triệu đồng.
“Hoa tiền” là sự kết hợp của những bông hoa đủ loại từ hoa tươi đến hoa sáp,… tùy theo nhu cầu của khách hàng và những tờ tiền giấy, tiền polyme được tạo hình bắt mắt, xếp xen kẽ giữa những đóa hoa. Đây là một món quà vừa độc đáo lại mang giá trị vật chất thực tế cao nên “hoa tiền” luôn nằm trong những mặt hàng “hot”, được nhiều người lựa chọn mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là ngày 8/3.
Về giá cả, một bó hoa bằng tiền thật sẽ được tính bằng giá trị những tờ tiền đã được sử dụng cộng thêm tiền hoa, phụ kiện và công của người cung cấp dịch vụ. Thông thường, công để làm một bó hoa bằng tiền sẽ dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tuỳ vào số lượng tờ tiền đã dùng.
Độc lạ và được săn đón là vậy nhưng món quà này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi người tặng cũng như người nhận cần lưu ý, tránh việc bị kẻ gian lừa đảo như số lượng tiền đặt làm bị thiếu hụt, mệnh giá không đúng hay nặng hơn là vi phạm pháp luật khi tiền được sử dụng là tiền giả hoặc tiền bị hư hỏng do tác động trong quá trình gói hoa.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, để làm ra một bó “hoa tiền”, người bán thường cần phải sử dụng đến những phụ kiện để gắn kết như ang dính, keo dán, que nhọn… có thể dẫn đến việc rách, hỏng tờ tiền.
Dưới góc độ pháp lý, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền,…
Chính vì vậy việc làm “hoa tiền” có thể làm người bán nhận mức án phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm để giao cơ quan có thẩm quyền xử lý khi làm huỷ hoại tờ tiền.
Theo Vũ Hạnh (Công Thương)