Hà Nội đã xuất hiện ca viêm não mô cầu thứ 2 trong khi vắc-xin dịch vụ phòng viêm não mô cầu lại đang cạn kiệt.
Khó bùng phát thành dịch
Tiêm phòng tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh |
TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngay sau khi được Bệnh viện báo về ca bệnh, ngành y tế đã kịp thời khoanh vùng các đối tượng có tiếp xúc với bệnh nhân viêm não mô cầu để theo dõi và uống thuốc dự phòng nên không xuất hiện ca thứ 2 ở cùng 1 ổ dịch. “Viêm não mô cầu không có gì mới, mỗi năm đều lẻ tẻ mắc vài ca. Nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch là rất thấp. Tính từ năm 2011-2015, Hà Nội có 15 ca viêm não mô cầu trong đó 5 ca tử vong” – ông Cảm cho biết.
Theo ông Cảm, 10% dân số có mang vi khuẩn não mô cầu (tên khoa học là Neisseria meningitidis) trong vùng họng, mũi mà không phát bệnh, không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, thi thoảng 1 ca phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Có người xuất hiện ban hoại tử dưới da. 2/3 số các mắc bệnh viêm não mô cầu bị viêm màng não, 1/3 ca nhiễm trùng máu Tỷ lệ tử vong có thể đến 15% các trường hợp mắc bệnh. Và chỉ khi phát bệnh thì vi khuẩn mới có khả năng lây truyền bệnh sang người khác. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4/1000 người tiếp xúc. “Tỷ lệ người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu lớn, việc phát bệnh rất đột ngột nên khó phòng ngừa, dự đoán. Tuy nhiên người dân không nên hoang mang vì các ca mắc thường lẻ tẻ, chưa ghi nhận ổ dịch lớn.
Còn TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm, viêm não mô cầu vẫn diễn ra rải rác ở nhiều địa phương. Từ năm 2011-2015 ghi nhận 610 ca mắc, trong đó có 25 ca tử vong. Năm 2015 có 102 ca mắc, 4 ca tử vong. Riêng 2 tháng đầu năm 2016 có 6 ca trong đó có 1 ca tử vong tại Hải Dương. “Số ca mắc viêm não mô cầu không nhiều nhưng tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Khả năng lây bệnh lại rất lớn do đó ngành y tế luôn coi viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải theo dõi chặt chẽ và khoanh vùng, giám sát ngay khi có ca bệnh được phát hiện” – TS Phu cho biết.
Tháng 4.2016 mới có vắc-xin
Theo TS Phu, bệnh viêm não mô cầu có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin, tuy nhiên, loại vắc-xin này chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ tiêm ở các điểm tiêm chủng dịch vụ. Hiện có 2 loại vắc-xin phòng chủng viêm não mô cầu chủng A, C (của Pháp, dành tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn) và vắc-xin phòng chủng viêm não mô cầu B, C (của Cuba dành tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi).
Tiêm phòng tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh |
Theo các nghiên cứu, tại Việt Nam, vắc-xin phòng não mô cầu chủng A, C được khuyến khích tiêm nhiều hơn vì týp A thường gặp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện loại vắc-xin phòng viêm não mô cầu chủng A, C của Pháp đang hết. “Vắc-xin viêm não mô cầu A,C chỉ tạm thời hết cho chưa có đợt cung cấp hàng mới. Dự kiến đến tháng 4.2016 sẽ có đợt vắc-xin mới” – TS Phu cho biết.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng thừa nhận, nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội đã hết vắc xin phòng viêm não mô cầu A, C của Pháp. Hiện chỉ còn vắc-xin của Cuba dành tiêm cho trẻ 6-10 tuổi, còn loại của Pháp tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên đang hết.
“Người dân không nên hoang mang mà cần thực hiện theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Biện pháp phòng nhiều bệnh truyền nhiễm chính là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch diệt khuẩn, không tiếp xúc gần với người bị sốt, ho, buồn nôn, nếu cần thì đeo khẩu trang. Đồng thời, khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị” – TS Phu cho biết. |