Chị Hòa đã 36 tuổi nhưng hình dáng vẫn nhỏ nhắn như một em bé lên ba. |
Chị Nguyễn Thị Hòa sinh năm 1980 trong một gia đình nghèo và lạc hậu ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Vì bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, lúc mới sinh cơ thể chị mềm như bún không thể cử động được. "Chị nghe bà nội kể lại rằng ba tháng sau khi sinh chị mới cử động được các đầu ngón tay, còn lại giống như xác chết" - chị Hòa bùi ngùi kể.
Lúc đó cả làng đều cho rằng chị là quái thai, khuyên gia đình nên bỏ đi không thì lại mang họa. Thế nhưng bà nội vẫn âm thầm chăm lo cho chị. Bà giấu chị trong một căn phòng bé tí, không cho ai đến gần, cũng như không kể với ai.
Khi mới sinh ra chị Hòa bị bà con lối xóm gọi là quái thai. |
Kể từ đó chị sống khép mình lại, chỉ bầu bạn với bà nội và chiếc radio mà bố mua cho. Đến năm 19 tuổi, chị Hòa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Nằm mê man suốt 21 ngày, những tưởng không thể ở lại với cuộc đời, thế nhưng sau tất cả chị đã can trường vượt qua. Sau trận ốm đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra, chị Hòa phát hiện ra mình không đi học nhưng lại biết đọc chữ.
"Kể ra thì chắc không ai tin, nhưng đó là sự thật, những con chữ cứ như đã nằm sẵn trong đầu của chị và chị chỉ việc đọc chúng lên" - chị nói.
Cuộc sống của chị Hòa từ nhỏ đến lớn chỉ quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ. |
Năm 2010 có lẽ là khoảng thời gian mà chị Hòa sẽ nhớ mãi trong cuộc đời của mình. Năm đó, bà nội - người đã hy sinh tất cả cho chị đã qua đời. "Chị đau đến nỗi không thể khóc thành lời. Chị nhìn chiếc quan tài và tự trấn an mình rằng bà chỉ đang ngủ thôi, rồi bà sẽ tỉnh dậy" - chị ngậm ngùi chia sẻ.
Giữa những xáo trộn về cảm xúc, và sự chới với không biết bám víu vào ai, chị Hòa may mắn gặp được một người đàn ông lạ mặt trong tang lễ của bà nội. Người đàn ông ấy tuổi chừng ngoài năm mươi, khi nhìn thấy chị ông liền đến và nói: "Ở bên ngoài kia có nhiều thứ đẹp lắm con ạ! Nếu con muốn thoát khỏi chiếc giường nhỏ bé này, thì con phải tự cứu lấy mình. Người ta đi bằng chân, thì con hãy dùng cái đầu mà đi".
Thế rồi sau tang lễ, ông đến gặp chị Hòa và tặng cho chị một cuốn sách có tên "Ngụ ngôn Việt Nam". Chị Hòa đọc say sưa, và sau đó có bao nhiêu tiền đều nhờ trẻ con hàng xóm mua hộ sách về đọc. Nhưng gia đình không ủng hộ vì nghĩ rằng chị có học cũng không làm được gì, chỉ phí tiền của.
Dù tập viết rất khó khăn nhưng chị vẫn luôn cố gắng tự học để viết được chữ. |
Bằng tất cả sự cố gắng của bản thân, sau 2 năm chị Hòa đã tự học hết chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Chị viết chữ thành thạo và còn có khả năng làm thơ. Kể về hành trình của mình chị viết:
"Ngày đầu tiên đi học
Của cô bé tật nguyền
Em tự mình phấn đấu
Bước lên đỉnh vinh quang
Quên đi bao vất vả
Để được làm hoa thơm."
Sau đó, chị dùng tiền được trợ cấp mua 1 chiếc điện thoại di động để giao lưu với bạn bè bên ngoài. Qua những chương trình kết bạn trên đài, chị quen với một số người khuyết tật có cùng hoàn cảnh với mình, tìm thấy tiếng nói chung chị ngày càng mở lòng và vui tươi hơn.
Khi mạng xã hội bắt đầu được phổ biến, chị Hòa quen nhiều người hơn. Sau đó hoàn cảnh của chị được một nhà báo chia sẻ, mọi người đã tìm đến nhà chị theo địa chỉ của bài viết và vận động gia đình cho chị ra ngoài.
Đi ra ngoài chị Hòa đều phải nhờ sự trợ giúp của người thân để đưa đi. |
Một thời gian sau chị học được cách làm hoa giấy, rồi tự làm đem bán để nuôi sống bản thân. Khi bắt đầu có nhiều khách hàng hơn, chị tìm các bạn cùng cảnh ngộ với mình để về làm cùng, giúp họ có thêm thu nhập.
Chị bày các bạn có cùng hoàn cảnh với mình làm hoa giấy để tạo thêm cơ hội việc làm cho họ. |
36 năm, một hành trình không hề ngắn của đời người, chị Hòa đã bước những bước đi dài để thoát khỏi hai chữ "quái thai" trở thành một người có ích, được nhiều người yêu quý. Sẽ có người tin và cũng có người không tin về hành trình phi thường của chị. Nhưng điều đó không quan trọng, vì giờ đây chị Hòa luôn hạnh phúc với cuộc sống của mình, với chị thế là đủ.
Khi sinh ra, không ai có quyền lựa chọn mình lành lặn hay tật nguyền, nhưng chúng ta có nghĩa vụ phải sống và sống bằng tất cả những nỗ lực của bản thân để chạm đến những ước mơ của riêng mình. |