Long ít nói, hiền lành, rất thương em. Yên miêu tả chồng sắp cưới bằng vài từ ngắn gọn giữa cơn nấc, với giọng nói khản đặc, thều thào. Cô gái trẻ không nói nhiều, cũng không thể ngồi dậy trong suốt cuộc trò chuyện.
Người đáng lẽ hôm nay là cô dâu mới lại đang nằm bệt trên nền đất, giữa 3 chiếc quan tài. Cơ thể nhỏ bé lọt thỏm trong bộ quần áo bằng vải xô màu trắng. Yên mặc bộ đồ tang của vợ dành cho chồng, dù đám cưới của cô và Long chưa hoàn thành.
Căn phòng nơi Yên đang nằm cạnh thi hài chồng đặc quánh mùi dầu gió hòa với nhang trầm. Tiếng nói râm ran ngoài sân, tiếng loa gọi danh sách người vào phúng viếng, tiếng khóc thảng thốt của vài người họ hàng dường như là một thế giới rất xa, rất khác so với không gian lạnh lẽo, yên ắng nơi này, dù chỉ cách nhau đúng một bức tường.
Yên không muốn tiếp chuyện người lạ. Trong những tưởng tượng của cô về cuộc sống sau này và tương lai với Long, không có cái nào nói rằng cô sẽ trở thành góa bụa khi tuổi mới ngoài đôi mươi.
Bà Ngô Thị Bê không biết cha mình là ai. Lên 3 tuổi, mẹ đưa bà về ở với họ hàng bên ngoại rồi đi lấy chồng mới. Lớn lên, bà Bê lập gia đình rồi sinh được 4 người con, 3 trai 1 gái.
Nhiều năm trước, người chồng gặp tai nạn giao thông qua đời để lại mẹ góa con côi. Một mình bà lại còm cõi, vừa đi chợ, vừa làm ruộng nuôi các con khôn lớn. Những món bà Bê mang ra chợ bán là vài buồng chuối trong vườn, mấy con cá do con trai câu được dưới ao, hoặc mớ rau 5 mẹ con trồng được. Cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau, nhưng cũng dần ổn định khi 4 đứa con trưởng thành, lần lượt có việc làm và lập gia đình.
2 năm trước, nghe lời mấy đứa nhỏ, bà Bê nghỉ chợ ở nhà làm ruộng và phụ chăm cháu. Long, đứa con út, đi làm công nhân ở Bình Dương.
Dù không giàu có, nhưng "thằng bé tự lập, thường xuyên gửi tiền về cho mẹ vì chưa có gia đình". Phần lớn đồ đạc trong gia đình đều được mua sắm từ tấm lòng của người con trai hiếu thảo.
Người yêu của Long là Yên, một cô gái quê Bình Định, cũng làm việc ở Bình Dương. Hai nhà đã qua lại kết thân lâu nay. Theo kế hoạch, tháng 8 Long lấy vợ, vậy là bà Bê "xong nhiệm vụ" và "từ giờ được sướng rồi" - như lời hàng xóm.
Khuya 29/7, bà Bê cùng bà con họ hàng lên xe đi từ Hải Lăng tới Bình Định đón dâu. Chuyến đi đêm vừa tiết kiệm thời gian, lại không tốn thêm tiền thuê nơi ở cho đoàn người.
"Mấy ngày này thuê xe 16 chỗ rất khó. Có nhà còn phải đặt trước vài tháng để có xe đúng ngày đẹp", một người cậu của Long kể lại.
16 người là anh em, bà con họ hàng và 1 tài xế cùng bước lên một chiếc xe rước dâu. Bà Bê ngồi với Long và Nhung, cô con gái duy nhất đã đi lấy chồng xa, nhưng dịp này vẫn muốn theo mẹ rước dâu mới về nhà. Trên xe còn có cả Thư Kỳ, đứa cháu gái lớn nhất của bà Bê. Con nhỏ đã biết bế em, vo gạo, làm việc lặt vặt trong nhà thay bố mẹ và bà nội.
Đi tới xã Điện Minh (Quảng Nam), trên tuyến tránh quốc lộ 1, chiếc ôtô rước dâu đâm vào xe đầu kéo container mang biển kiểm soát TP.HCM kéo theo rơ móc đang chạy hướng ngược lại.
"Chỉ có một tiếng nổ rất to rồi mọi thứ im lặng ngay lập tức. Khi dân xung quanh ùa ra cứu thì đầu xe đón dâu đã dập nát. Chúng tôi phải dùng xẻng để cạy cửa đưa người ra. Nhưng lúc đó đã muộn rồi", một người kể lại.
Cú va chạm khiến 10 người chết tại chỗ. Con số tăng lên khi có 3 người không qua khỏi trên đường đi cấp cứu. Thi thể của bà Bê, Long, Nhung, Thư Kỳ được xác nhận trong rạng sáng hôm đó.
Yên biết tin dữ lúc 4h sáng 30/7. Trước khi biết tin, cô đã thức cả đêm để trang điểm, sửa soạn quần áo và chuẩn bị trà bánh đón nhà trai. Tiệc cưới đãi nhà gái đã chuẩn bị xong, chòm xóm đều nhận được được thiệp mời. Cổng hoa, phông màn, lều bạt, sân khấu sẵn sàng. Yên và Long đã phải tiết kiệm rất nhiều để chuẩn bị cho đám cưới được chu toàn và tươm tất.
Nhưng chú rể mãi mãi không đến rước cô dâu.
Những mâm cỗ đáng lẽ sẽ vỡ òa với lời chúc tụng, mừng vui của bà con dành cho đôi tình nhân trẻ, chia vui với ông Tuân vì đã gả được con gái về gia đình tốt và có thêm một chàng rể quý, nay đẫm nước mắt vì đau xót.
Đêm 30/7 đáng lẽ là đêm tân hôn khi Long đã rước được cô dâu về nhà, lại thành ngày đại tang khi xóm nhỏ phải đón về 13 cái áo quan. Ngày nhà trai định đãi tiệc, 2/8, lại trở thành ngày di quan và an táng chú rể.
Mấy phiên cửa nhà bà Bê được sơn sửa mới tinh để đón con dâu, nay bị tháo ra để tiện việc di chuyển 3 quan tài. Vài bộ bàn ghế được thuê để bày cỗ nay lại dùng đón khách tới phúng viếng.
Từ sân nhà bà Bê, tiếng khóc ai oán và kèn trống thê lương từ 8 ngôi nhà khác dội lại, nỗi đau buồn nặng nề, cộng thêm cái nắng gắt chói chang càng khiến không gian thêm ray rứt, khó chịu.
Anh Nguyễn Khắc Thu tận mắt chứng kiến mẹ, hai người em, con gái lớn qua đời. Thân thích họ hàng Nguyễn Khắc mất tất cả 12 người.
Bốn đứa con của ông Nguyễn Khắc Nguyền và bà Nguyễn Thị Gái (hai người cùng tử nạn trong chuyến xe định mệnh) bỗng trở thành trẻ mồ côi sau một đêm.
Hai đứa con trai của ông Đặng Xuân Phóng ngơ ngác mặc bộ đồ tang đứng giữa sân. Cha chúng đã nhập quan, còn mẹ và chị gái vẫn đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhân chứng trong sự việc đau lòng, anh Dương Chí Linh, người nhà chú rể, kể lại rằng xe 16 chỗ đã loạng choạng, đánh lái sang làn đường ngược lại.
Anh nhận định tài xế có thể bị buồn ngủ nên mất lái, dẫn đến tai nạn. Vợ anh Linh qua đời ngay trên xe. Con gái anh trong số 4 người bị thương nặng đang cấp cứu trong bệnh viện.
Tài xế điều khiển xe đầu kéo, Nguyễn Hữu Thành (quê Long An), cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, xe anh đang chở thanh long ra phía bắc, tốc độ khoảng 45 km/h. “Lúc thấy chiếc xe khách lao đến, tôi cố gắng bẻ lái vào bên đường, rồi đạp phanh hết sức, nhưng xe khách lao đến tông trực diện vào đầu xe”, tài xế Thành nhớ lại.
Nhân chứng tại hiện trường cung cấp thông tin trước khi xảy ra tai nạn thảm khốc, tài xế Cương đã làm việc và thức khuya liên tục 3 đêm. Nhưng không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Người trong xe không chết thì cũng hôn mê cả rồi.
8 gia đình có người thân tử vong là anh em, chú bác với nhau, nhà đều ở thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng), cạnh sông Ô Lâu. Họ ở cách nhau không xa, nên cứ đi chừng 50 m lại gặp một đám tang,
Xóm làng ngổn ngang. Những người mang ánh mắt thẫn thờ nửa đứng nửa ngồi khắp lối vào thôn. Con đường mới được đổ bê tông gần đây, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe 7 chỗ đi lại. Họ hàng, người thân, người các tỉnh khác lần lượt đổ về đây chia sẻ cơn bĩ cực với người dân Hải Sơn.
"Bọn em để dành được ít tiền. Trước mắt vẫn phải ở nhà thuê nhưng chắc sẽ cố mua cái nhà ở Bình Dương. Trong đó làm ăn dễ hơn. Ở đây ai làm Nhà nước thì ổn định, chứ buôn bán cũng khó" - Yên bỗng mở lời, rồi nhắc tới người yêu - "Thực ra, em đã gọi Long là chồng lâu rồi, từ hồi mới yêu, độ 6 năm trước".
Sự đau lòng khiến mọi thứ mờ nhòe nơi khóe mắt chúng tôi. Không ai nói gì rất lâu. Mái tóc cô gái trẻ vẫn bới thành búi để gài chiếc khăn voan. Đôi bàn tay với những chiếc móng được cắt tỉa gọn gàng lúc nắm chặt, lúc run run.
"Nó tới quá nhanh. Khốc liệt quá. Em không được biết, không được chuẩn bị, không được gặp anh ấy lần cuối. Em sợ người ta bảo vì em mà cả nhà gặp nạn, em không biết rồi đây sống làm sao..."
Đằng sau lưng Yên, bên ngoài cửa sổ, trời miền Trung nắng chói chang. Những dự định của đôi tình nhân, từ giờ chỉ còn mình cô thực hiện...
Theo Ngân Giang - Điền Quang - Văn Được (Tri Thức Trực Tuyến)