Tình trạng động vật hoang dã bị chết sau khi được “giải cứu” từ các vụ vận chuyển, buôn bán trái phép đưa về Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn đã được nhắc đến từ khá lâu song đến nay vẫn chưa có lời giải nào cho việc này. Gần đây nhất, hàng trăm cá thể tê tê sau khi được cứu hộ vào đây đã chết dần, chết mòn và hiện đang được bảo quản trong những chiếc tủ đông lạnh tại Trung tâm cứu hộ này.
Hàng trăm cá thể tê tê sau cứu hộ đã chết và được bảo quản đông lạnh tại Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn |
Đầu tháng 2 vừa qua, Công an tỉnh Hưng Yên đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn 80 con tê tê là tang vật từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép bị bắt giữ, nhưng hiện đều đã chết. Trong năm 2015, có khoảng 200 cá thể tê tê khác cũng đã bị chết. Đến nay, tại các tủ đông lạnh của Trung tâm cứu hộ đang chứa khoảng 300 cá thể tê tê. Đáng nói, khá nhiều trong số này đã được bảo quản từ nhiều năm trước nhưng chưa được xử lý do vụ việc chưa kết thúc.
Với tình trạng hàng trăm cá thể tê tê bị chết sau khi được cứu hộ về đây, người dân không khỏi băn khoăn về hiệu quả của công tác cứu hộ động vật hoang dã. Theo một cán bộ thú y tại Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn, đến nay, chưa có một đợt cứu hộ nào được gọi là thành công và chưa có con tê tê nào sau cứu hộ được trả về môi trường tự nhiên. Bà Đinh Thị Thu Hằng, cán bộ Thú y của Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn cho biết, thời gian dài nhất mà 1 cá thể tê tê sống được tại Trung tâm sau khi được cứu hộ về chỉ 2 tháng dù các cán bộ chăm sóc đã làm mọi biện pháp.
Theo lý giải từ phía trung tâm, do môi trường nuôi không đảm bảo, trung tâm chỉ rộng 1ha trong khi hiện có tới 200 loài với 300 cá thể đang được nuôi nhốt tại đây. “Hầu hết cá thể tê tê khi chuyển về trung tâm đều bị thương, sức khỏe yếu do bị nhồi nhét thức ăn không phù hợp như bột đá, bột sắt để tăng trọng lượng”, ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn cho hay.
Chết “oan” vì đâu?
Tập tính của tê tê không phù hợp với điều kiện nuôi nhốt nhưng vẫn phải nhốt vì luật quy định, khi nào vụ án kết thúc thì mới được thả hoặc tiêu hủy. Trong khi đó, thức ăn cho mỗi con tê tê là 140.000 đồng/ngày, vụ án càng kéo dài thì chi phí càng cao. Đến nay, tại Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn, chưa có cá thể tê tê nào có thể sống để chờ 1 vụ án kết thúc để được thả về môi trường tự nhiên.
Đây cũng là một trong những điểm mắc khiến không ít cá thể tê tê cũng như động vật hoang dã khác bị chết oan. Vì theo quy định, động vật hoang dã là tang vật của vụ án phải chờ sau khi vụ án kết thúc mới được xử lý, hoặc là tiêu hủy hoặc là thả về môi trường tự nhiên trong khi môi trường nuôi nhốt chờ vụ án kết thúc thường không đảm bảo điều kiện sống của động vật.
Giám đốc Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn thông tin: “Phần lớn tê tê được chuyển về Trung tâm là tang vật của các vụ án buôn bán động vật hoang dã trái phép chưa được xử lý hình sự nên chúng tôi phải có trách nhiệm bảo quản cho đến khi vụ án kết thúc”. Tiếp theo đó, Trung tâm sẽ thành lập Hội đồng tiêu hủy bao gồm đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, cơ quan kiểm sát, cơ quan thú ý... rồi tiêu hủy theo quy trình khép kín là đưa vào lò thiêu để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực tế đang đặt ra câu hỏi nhức nhối, vậy chúng ta vất vả, tốn kém tiền của, công sức giải cứu động vật hoang dã để làm gì, khi mà 100% cá thể tê tê được giải cứu sau đó đều chết chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào Trung tâm cứu hộ?
Theo Hải Dương (An Ninh Thủ Đô)