GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết qua rà soát, số lượng cán bộ lớn tuổi thuộc đối tượng trong nghị quyết lên đến hàng trăm người.
Cụ thể, khối đảng đoàn thể có 69 người, (cấp TP là 44, cấp quận huyện là 25); khối chính quyền là 178 người (TP: 101, quận huyện: 77). Khối đơn vị sự nghiệp có 69 người.
“Đây là đội ngũ chúng tôi rà soát trong đối tượng để xem xét, tính toán và có sự động viên. Không phải tất cả số lượng này đều nghỉ”, ông Đồng cho biết.
GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng giải thích thêm, đây là chính sách thôi việc chứ không phải nghỉ hưu trước tuổi. Thôi việc nhưng đối tượng sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cho đến tuổi nghỉ hưu, bản thân người đó vẫn được thực hiện chế độ hưu trí.
“Ngoài việc động viên thôi việc sớm để bố trí cán bộ trẻ, tới đây việc sắp xếp bộ máy sẽ có nhiều cán bộ dôi dư. Tôi ví dụ có ngành thuộc diện sắp xếp tới đây, có 6 đơn vị thì có đến 11 chức danh, không thể bố trí hết được”, ông Đồng nói.
Tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ
Đại biểu Võ Công Chánh, Bí thư quận ủy Liên Chiểu (nguyên GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng) cho rằng, chủ trương này có sự kế thừa từ các chính sách trước đây của TP.
Cụ thể, năm 2010, HĐND TP ban hành chính sách đối với cán bộ công chức cấp phường xã, những người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc.
Năm 2015, Thành ủy Đà Nẵng cũng ban hành đề án số 04 quy định chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ nhiệm kỳ 2015-2020 từ TP đến phường xã có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chế độ của TƯ thì TP hỗ trợ 40-120 triệu đồng.
Chính sách này góp phần giải quyết sự hụt hẫng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ thành ủy quản lý; thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ.
Theo ông, TP đã có một thời gian dài thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhưng hiện nay quỹ biên chế rất hạn hẹp.
“Việc khuyến khích cán bộ lớn tuổi thôi làm nhiệm vụ sẽ góp phần làm trống ra biên chế để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế tôi đề nghị HĐND thống nhất, ủng hộ để thông qua nghị quyết”, ông Chánh nói.
Chiều mai biểu quyết thông qua nghị quyết
Đại biểu Lê Thị Như Hồng (Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo nghị quyết đã bỏ sót đối tượng là cán bộ công chức thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Bà Hồng nêu, TP có quy định 1.102 trong đó ghi rõ 5 tổ chức mà chủ tịch, phó chủ tịch do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội nhà báo, Hội chữ thập đỏ và Liên minh các hợp tác xã. Thế nhưng dự thảo nghị quyết đã bỏ sót các đối tượng này.
Ngoài ra, cấp quận huyện cũng có các cán bộ diện thường vụ quận huyện luân chuyển về các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, chính trị xã hội nhưng cũng không được nhắc đến.
“Theo quy định của Bộ Nội vụ, những đối tượng này thuộc diện công chức luân chuyển. Tôi nghĩ phải bổ sung vào nếu không chúng ta sẽ không công bằng, bỏ sót”, bà Hồng nói.
Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung ghi nhận các ý kiến của đại biểu và hứa sẽ xem xét bổ sung. Ông khẳng định các đại biểu sẽ có thảo luận kỹ hơn nữa trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết này vào chiều mai.
Theo Cao Thái (VietNamNet)