Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín) với tổng diện tích 11.000ha.
Theo đồ án quy hoạch, đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480ha (tương đương 50% tổng diện tích quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây dựng rộng 1.190ha (chiếm 11% tổng diện tích).
TP Hà Nội định hướng 5 bãi sông (Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức) được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%, tương đương 1.590ha. Còn bãi Tàm Xá - Xuân Canh được phép xây dựng tỷ lệ 15%, tức khoảng 408ha.
Cụ thể, bãi sông được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. Khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp.
Trong quy hoạch lần này, TP Hà Nội hướng tới việc "quay mặt" ra sông Hồng để kiến tạo không gian giá trị của một trục không gian, hành lang xanh quan trọng.
Để hiện thực hoá quy hoạch trên, mới đây, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết bốn quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên) đã thống nhất báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép lập đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng".
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, việc lập đề án hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Việc lập quy hoạch còn nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng. Hà Nội cũng định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.
Bãi giữa sông Hồng chủ yếu nằm trên quận Hoàn Kiếm (hai phường Chương Dương, Phúc Tân) với diện tích dao động 15,3-18ha, chiều dài bờ sông 3,8km.
Trước đó, tháng 3/2022, quận Hoàn Kiếm lập đề án xây dựng bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn cho rằng quy hoạch công viên bãi giữa sông Hồng phải phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội còn cho rằng, việc nghiên cứu khu bãi giữa, bãi bồi và hai bờ sông Hồng nên thực hiện với toàn bộ quận có sông Hồng chảy qua. Do đó, quận Hoàn Kiếm đã họp bàn với ba quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và cùng đề xuất thành phố lập đề án.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hoàn Kiếm khóa XXVI đã xây dựng chương trình về cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị quận và đề án phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông trên địa bàn quận thành công viên văn hóa và du lịch.
Theo Quang Phong (VietNamNet)