Việc sao Việt kiếm thêm thu nhập khi trở thành gương mặt đại diện hay PR cho một dòng sản phẩm đã không còn xa lạ với người hâm mộ. Việc làm này có lợi cho cả đôi bên nên ngày càng được nhiều người nổi tiếng lựa chọn.
Tuy nhiên, việc giới thiệu một sản phẩm đôi khi lại là "con dao hai lưỡi" khiến sao Việt rơi vào tình trạng khó xử khi nhãn hàng bị "tố" kém chất lượng.
Điển hình như mới đây, trang Facebook cá nhân của nhiều nghệ sĩ Việt tên tuổi đăng tải bài viết với nội dung giống hệt nhau, liên quan đến hoạt động đầu tư tiền điện tử. Đáng nói, trong bài đăng này, các nghệ sĩ đã quảng cáo cho loại tiền điện tử đang vướng nghi án lừa đảo là đồng FXT. Đây là loại tiền ảo được Lion Group sử dụng để lôi kéo các nhà đầu tư với cam kết lợi nhuận cao, lên đến 1%/ngày và 24%/tháng, gây nên nhiều nghi vấn về lừa đảo và đa cấp.
Ngay sau loạt bài đăng về tiền điện tử của các nghệ sĩ, những người có am hiểu về tiền điện tử đã "bóc phốt" và cho rằng các nghệ sĩ không hề am hiểu về các loại tiền điện tử, mà chỉ đăng bài để nhận tiền quảng cáo và điều này có thể gây thiệt hại cho nhiều người nếu họ nghe theo thông tin do các nghệ sĩ này đăng tải. Những nghệ sĩ này sau đó đã xóa bỏ đi bài đăng về tiền điện tử trên trang Facebook cá nhân của mình, mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích hoặc xin lỗi nào, như không hề có chuyện gì xảy ra.
Động thái của các nghệ sĩ nổi tiếng, với hàng triệu người theo dõi trên Facebook, đã khiến nhiều cư dân mạng cảm thấy bức xúc vì cho rằng đó là một hành động thiếu trách nhiệm, chỉ biết nhận tiền để đăng bài quảng cáo mà không nghĩ đến hậu quả có thể gây ra.
Dưới góc độ pháp lý về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, nếu việc quảng cáo thực hiện đúng quy định của pháp luật, hàng hóa đảm bảo chất lượng, sản phẩm được quảng cáo chính là sản phẩm nghệ sĩ đã trải nghiệm và thực sự tin dùng (yếu tố dàn dựng trong nội dung quảng cáo bớt đi) thì sẽ tác động tích cực cho xã hội, lan tỏa những sản phẩm có chất lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, mang lại giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng và bản thân nghệ sĩ được nhiều người tin yêu hơn, mến mộ hơn.
Ngược lại nếu nghệ sĩ chỉ vì lợi ích trước mắt, vì giá trị của hợp đồng quảng cáo, thiếu kinh nghiệm quảng cáo, thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết pháp luật và không có thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, không tìm hiểu về điều kiện pháp lý của sản phẩm khi thực hiện hoạt động quảng cáo theo luật quảng cáo và điều kiện đưa ra thị trường(sản phẩm, hàng hoá quảng cáo có thể là hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả, thậm chí các hoạt động lừa đảo) thì hậu quả đầu tiên mà nghệ sĩ phải gánh chịu đó là mất uy tín, mất niềm tin của người hâm mộ, thậm chí có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường nhấn mạnh, việc quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội khác với quảng cáo sản phẩm trên các cơ quan truyền thông chính thống như truyền hình, đài báo, các trang thông tin điện tử ở chỗ, quảng cáo trên phương tiện truyền thông chính thống thì cơ quan truyền thông chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo, về pháp lý đối với sản phẩm. Khi hàng hoá, sản phẩm đủ điều kiện để thực hiện hoạt động quảng cáo, có giấy phép, được các cơ quan chức năng xác nhận thì mới được phép quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Còn quảng cáo trên trang cá nhân Facebook hoặc các trang mạng xã hội khác thì chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo, nội dung thông tin được đăng tải trên trang cá nhân của mình. Nếu sản phẩm quảng cáo là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì người thực hiện hoạt động quảng cáo đó sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp là hàng cấm, là hàng hóa sản phẩm dịch vụ có dấu hiệu lừa đảo thì khả năng bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức là rất cao. Bởi vậy, các nghệ sĩ, những người nổi tiếng cần thận trọng khi thực hiện các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội.
Ngoài ra, nếu những sản phẩm quảng cáo gây thiệt hại cho người dùng thì người quảng cáo cũng phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đối với những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ quảng cáo có điều kiện, kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quảng cáo, điều kiện kinh doanh thì mới được phép quảng cáo và đưa ra thị trường.
Nếu thực hiện hoạt động quảng cáo không đúng quy định của pháp luật thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định.
Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng, mỗi nghệ sĩ cần có những người tư vấn về pháp lý, tư vấn về kinh doanh, mọi hoạt động quảng cáo đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật để giữ gìn uy tín, danh tiếng của bản thân, để có những khoản thu nhập chân chính và tránh những hành vi vi phạm pháp luật.
"Đối với những nghệ sĩ vì yếu tố chủ quan hoặc khách quan mà đã quảng cáo phải những hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, thậm chí hàng giả thì cần phải gỡ bỏ thông tin nếu như việc quảng cáo đó thực hiện trên mạng xã hội, đồng thời phải có cả chính xin lỗi khán giả, những người hâm mộ.
Trường hợp thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng có những phản hồi không tích cực thì phải phối hợp với đơn vị sản xuất, với đơn vị cung cấp sản phẩm để thông tin lại cho họ, có những giải thích rõ ràng. Với những nghệ sĩ biết là mình sai nhưng không nhận sai, không nhận trách nhiệm thì sẽ mất uy tín, mất niềm tin vào cộng đồng và có thể còn bị khiếu kiện", luật sư Cường nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên các nghệ sĩ Việt bị chỉ trích vì PR quá đà cho các sản phẩm trên thị trường. Không ít vụ việc quảng cáo kem trộn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng đã gây ảnh hưởng lớn tới niềm tin của người hâm mộ. Thậm chí, có người còn cáo buộc vụ việc PR tiền ảo này là "tiếp tay lừa fans".
Trong bối cảnh mạng xã hội tràn ngập các tin giả, thông tin không chính xác, thì hơn ai hết, các nghệ sĩ, ngôi sao… là những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cần phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm chứng thông tin do mình đăng tải, nhưng giờ đây, nhiều người vì cái lợi trước mắt mà sẵn sàng dẹp bỏ đi trách nhiệm đó của mình.
Theo Minh Khôi (Nhịp Sống Việt)