Trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn gay gắt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương vùng này phải lắp đặt đường ống dẫn nước ngọt, điều chỉnh và hướng dẫn người dân sản xuất phù hợp...
Theo dự báo của Bộ NNPTNT, trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhất là trong tháng 3 và 4 và có thể kéo dài tới tháng 6, gây thiệt hại cho sản xuất, nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng.
2 giải pháp chống hạn
Ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện Bộ đã đề xuất 2 giải pháp cứng và mềm nhằm chống hạn cho vùng ĐBSCL.
Giải pháp cứng, gồm cả trước mắt và lâu dài, ngay lập tức hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn. Theo quy hoạch để chống xâm nhập mặn phải tìm nguồn để xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt, số vốn khoảng 34.000 tỷ đồng trong khi hiện nay ngân sách còn rất hạn hẹp.
Trước mắt phải giải quyết nước cho đời sống nhân dân, nước cho sản xuất và chăn nuôi. Do đó, Bộ TNMT phải hướng dẫn người dân khoan lấy nước mà không ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, phải lắp ngay máy bơm tại các hồ chứa nước để đưa về. Đồng thời, bà con phải tích trữ tối đa nguồn nước ngọt.
Về giải pháp mềm, Bộ NNPTNT đã đưa ra một quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL cho riêng năm 2016. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật để ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo.
Bộ NNPTNT cũng đưa ra một loạt giống chống chịu được xâm nhập mặn, có giống chịu được độ mặn 5-7‰, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Giao Viện Quy hoạch Thủy lợi phải đưa ra bản đồ xâm nhập mặn, những vùng nào xâm nhập mặn 30km, những vùng nào 50km, 70km… trên cơ sở những kịch bản như vậy để bố trí cây trồng cho phù hợp. Về lâu dài, khi đã có quy hoạch về xâm nhập mặn, Bộ NNPTNT sẽ đưa ra các giải pháp cây trồng kèm theo. Cục Trồng trọt cũng đang nghiên cứu đề án này, sẽ hoàn thành trong năm 2016.
|
Người dân ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh hậu Giang sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Ảnh: Huỳnh Xây |
Kịp thời hỗ trợ người dân
Để đối phó với tình hình này, ngày 12.3, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành ĐBSCL tập trung bảo đảm đời sống nhân dân, tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đói, thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp (lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, chở nước ngọt cung cấp cho nhân dân…) nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Chủ động vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nạo vét kênh rạch khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm khoanh vùng ngăn mặn, giữ ngọt…
Bên cạnh đó rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, xác định cụ thể khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng khu vực trọng điểm, chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất khi cháy rừng xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và chủ rừng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói, kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương, kịp thời đề xuất báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định theo quy định.
40. 000ha cây trồng ở Tây Nguyên thiếu nước tưới Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay hạn hán đã xảy ra khá nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kom Tum, Lâm Đồng. Tính đến hết tháng 2, toàn vùng đã có khoảng 2.865ha lúa phải dừng sản xuất; 1.100ha lúa có nguy cơ mất trắng và trên 40.000ha cây trồng thiếu nước tưới (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu). Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương trước mắt, cần tập trung ưu tiên bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho dân; kiên quyết không để người dân thiếu nước dùng hằng ngày và không để trâu, bò chết vì thiếu nước. Phong Thế |