Hai trường đại học lên tiếng trước thông tin đột ngột dừng tuyển sinh vào phút chót

01/08/2023 10:21:49

Hai trường đại học thông báo tuyển gần 1.400 sinh viên sư phạm song đột ngột dừng, chỉ nửa ngày trước hạn chót đăng ký xét tuyển đại học.

Theo Vnexpress, sáng 30/7, hơn 1.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm ở trường Đại học Hồng Đức bất ngờ nhận được "thông báo hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng" từ bộ phận tuyển sinh.

Trường cho biết chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định số 116/2020. Do đó, trường đề nghị thí sinh có nguyện vọng theo ngành đào tạo giáo viên cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng sang các cơ sở giáo dục đại học khác.

Cùng ngày, trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát đi thông báo tương tự.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17h ngày 30/7 là hạn cuối để thí sinh đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Việc các trường đưa ra thay đổi sát nút khiến nhiều phụ huynh và học sinh "không kịp trở tay", đặc biệt với các môn phải thi thêm bài năng khiếu.

Hai trường đại học lên tiếng trước thông tin đột ngột dừng tuyển sinh vào phút chót
Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: VnExpress.net

VTC News dẫn lời Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức cho biết, ông cảm thấy rất đáng tiếc khi phải tạm dừng tuyển sinh đợt 1. Đơn vị đang chờ UBND tỉnh Thanh Hoá họp bàn, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo quy định. Khi được giao chỉ tiêu, nhà trường sẽ đăng tin tuyển bổ sung.

Dự kiến số chỉ tiêu được UBND tỉnh Thanh Hoá giao đào tạo sắp tới sẽ ít hơn số chỉ tiêu nhà trường từng đề xuất ban đầu. Đại học này từng xin tuyển 1.000 chỉ tiêu vào 14 ngành đào tạo sư phạm.

Với các thí sinh đã dự thi năng khiếu tại trường Đại học Hồng Đức, nếu không được tuyển sinh vào ngành đào tạo giáo viên có tổ hợp xét tuyển môn năng khiếu, trường sẽ thực hiện hoàn trả lệ phí dự thi trực tiếp đến từng thí sinh.

Đại diện trường Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cũng xác nhận phải tạm dừng tuyển sinh đợt 1 do đang chờ UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo năm 2023.

"Đây là sự việc hy hữu, chưa từng có trong lịch sử, buộc trường phải thông báo tạm dừng tuyển sinh trong phút chót", vị này nói. Hiện chưa thống kê bao nhiêu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường năm nay trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Nhà trường đang khẩn trương làm việc với UBND tỉnh để được giao chỉ tiêu đào tạo đặt hàng, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, vừa giúp sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở địa phương.

Hai trường đại học lên tiếng trước thông tin đột ngột dừng tuyển sinh vào phút chót - 1
Một góc trường Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá. Ảnh: VnExpress.net

Chia sẻ với VTC News, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết, trường Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá là hai cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc UBND tỉnh quản lý.

Theo chức năng tham mưu, từ cuối tháng 6/2023, Sở GD&ĐT phối hợp với hai trường trình Sở Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hoá xin kinh phí, và giao chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy năm 2023 theo hình thức đặt hàng.

Tuy nhiên, cho đến trước 29/7, Sở Tài chính vẫn chưa chốt mức kinh phí và chỉ tiêu giao cho hai trường. Do đó, 2 cơ sở giáo dục đại học này buộc phải tạm dừng tuyển sinh đợt 1 và chờ giao chỉ tiêu.

"Chiều 31/7, các đơn vị liên quan của tỉnh đã họp và thống nhất giao đặt hàng 200 chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho hai trường đại học này. Trong đó, trường Đại học Hồng Đức được giao 165 chỉ tiêu đào tạo sư phạm và 35 chỉ tiêu còn lại giao cho trường Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá", ông Thức nói.

Về lý do vì sao các cơ quan chức năng của tỉnh để đến hạn chót vẫn chưa quyết định giao chỉ tiêu đặt hàng đào tạo, khiến 2 trường rơi vào thế khó phải tạm dừng tuyển sinh và trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, ông Thức từ chối trả lời.

Thanh Hóa hiện là một trong hai địa phương thiếu giáo viên nhất cả nước. Tính đến hết năm học qua, tỉnh này thiếu hơn 10.000 giáo viên ở các cấp học.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Đầu Thanh Tùng cho hay lý do tỉnh chưa "đặt hàng" đào tạo sư phạm với hai đại học trực thuộc là "do các sở ngành liên quan chưa thống nhất ý kiến". Ông Tùng cho biết, ngay chiều nay, tỉnh sẽ họp để nghe ý kiến và tìm phương án xử lý phù hợp.

Nghị định 116 từng được coi là chính sách đột phá để thu hút sinh viên theo nghề sư phạm. Các tỉnh sẽ căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách để giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với trường đào tạo giáo viên. Những sinh viên theo diện này được địa phương chi trả học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng một tháng. Các em không phải bồi hoàn nếu làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp, không bị ràng buộc về địa điểm làm việc.

Tuy nhiên, đây cũng là vướng mắc khiến gần 40/63 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên hồi đầu năm học 2022, trong khi tỉnh nào cũng kêu thiếu người.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào Đại học Hồng Đức cao nhất trong các trường đại học khối ngành sư phạm. Cụ thể, lớp sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và sư phạm Lịch sử chất lượng cao của Đại học Hồng Đức, có mức điểm gần "chạm trần" - 39,92/40. Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Năm 2021, trường này cũng từng gây "choáng" khi công bố điểm chuẩn Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao là 30,5 điểm (thang điểm 30).

Còn điểm chuẩn vào Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá năm ngoái chỉ dao động từ 15 đến 24,5 điểm - ngành Giáo dục thể chất cao nhất.

NT (SHTT)

Nổi bật