Điểm trúng tuyển năm nay thấp hơn năm ngoái
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh ngày 9/7, TS Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân cung cấp những thông tin quan trọng về cơ chế tuyển sinh và chương trình đào tạo của nhà trường.
Năm 2023, trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh 6.200 thí sinh, với 37 chương trình đào tạo bằng Tiếng Việt (chương trình đại học chính quy tiêu chuẩn), 16 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh với các lĩnh vực mang tính chất chuyên ngành và liên ngành và 7 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, bao gồm: Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Truyền thông Marketing, Luật kinh doanh, Quản trị kinh doanh thương mại, Quản lý thị trường và Thẩm định giá.
Năm nay, trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng (2%), xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (25%), xét tuyển kết hợp (73%).
“Đối với những thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, các em có thể nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và chờ làm thủ tục nhập học tại trường. Đối với nhóm thí sinh đã trúng tuyển bằng việc sử dụng các kết quả thi không liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em lựa chọn nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT trong thời gian từ 10/7 đến 30/7 để sớm trở thành tân sinh viên của nhà trường. Đối với nhóm thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi THPT, các em cần chờ đến khi có điểm thi (dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18/7) để nhập lên hệ thống nhà trường, đồng thời kiểm tra số báo danh để tránh nhầm lẫn. Trên cơ sở hồ sơ đã nộp và kết quả thi trên hệ thống của từng thí sinh, nhà trường sẽ thông báo kết quả trúng tuyển trước 17h ngày 23/7”, TS Lê Anh Đức chia sẻ.
Cũng theo TS Lê Anh Đức, năm nay, trường Đại học Kinh tế quốc dân có nhiều điểm mới trong các phương án tuyển sinh.
Điểm mới đầu tiên là thay đổi trong cách tính điểm ưu tiên. Năm nay, theo quy đinh mới của Bộ GD-ĐT, điểm ưu tiên sẽ giảm dần theo mức điểm các em đạt được.
Công thức tính điểm cụ thể như sau: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên của thí sinh theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, tổng điểm đạt được của thí sinh được quy đổi về thang điểm 30 theo từng công thức tính điểm xét tuyển.
Điểm mới thứ hai mà các thí sinh cũng nên lưu ý là điểm trúng tuyển theo quy chế mới sẽ quy về thang điểm 30 (khác thang điểm 35 so với năm trước). Đây là là lý do tại sao điểm trúng tuyển năm nay thấp hơn năm ngoái.
Làm thế nào để không tuột mất cơ hội trúng tuyển?
Tại buổi tư vấn tuyển sinh, một số phụ huynh và học sinh đặt câu hỏi, vì sao trước đây có thí sinh mặc dù đăng ký NV1 vào ngành mong muốn ở cổng tuyển sinh trực tuyến của Bộ GD-ĐT nhưng khi không đỗ NV1, các em cũng không được nhập học các ngành đã trúng tuyển trước đó. Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Lê Anh Đức cho biết, mặc dù các em đỗ xét tuyển sớm tại một trường đại học bất kỳ nhưng khi đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, các em vẫn phải để nguyện vọng đã đỗ xuống số 2.
"Nếu các em không đặt ngành đã trúng tuyển bằng phương thức khác ở NV2, khi trượt NV1 theo hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, hệ thống sẽ mặc định các em bị trượt cả hai nguyện vọng. Do vậy, các em cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi đăng ký nguyện vọng trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT", TS Lê Anh Đức nói.
Theo dự đoán của PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, năm nay, điểm chuẩn các ngành sẽ dao động trong một biên độ rất nhỏ, khoảng 0,25 – 0,5 điểm so với năm ngoái. Tuy nhiên, thí sinh cũng phải đạt trên 28 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới có cơ hội trúng tuyển, đặc biệt đối với các ngành thu hút được nhiều sự quan tâm như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng,...
Chia sẻ bí quyết đỗ nguyện vọng đại học nói chung và trường Kinh tế quốc dân nói riêng, PGS.TS Bùi Đức Triệu khuyên các thí sinh nên dựa trên số điểm đã đạt được để đưa ra lựa chọn xét tuyển theo ba nhóm.
Nhóm thứ nhất là các ngành có dự kiến điểm chuẩn cao hơn số điểm mình đạt được để đề phòng trường hợp điểm chuẩn của các ngành giảm. Nhóm thứ hai là các nhóm ngành có mức điểm chuẩn ngang bằng với số điểm mình đạt được. Nhóm thứ ba là những ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình.
"Tuy không đến mức đăng ký 100 nguyện vọng nhưng mỗi nhóm, thí sinh nên đăng ký 2-3 nguyện vọng. Sau đó, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối", PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.
Theo Diệp Thảo (Vov.vn)