Đã 4 ngày trôi qua, sau vụ tai nạn thương tâm tại đèo Lò Xo khiến cả 2 mẹ con chị Vuông tử vong, người thân, hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn khi cùng 1 lúc đón nhận tin dữ. Nỗi đau như nhân lên gấp đôi, nơi quê nhà con khàn giọng khóc gọi tên mẹ, bà vật vã nấc nghẹn nói không nên lời...
Trong căn nhà đơn giản, khói hương đặc quánh, người chồng có khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt vô hồn hết nhìn di ảnh 2 mẹ con rồi lại hướng mắt ra phía xa xôi như cố gắng níu kéo, tìm kiếm một chút hơi ấm còn sót lại, vương vấn đâu đó.
Mới đưa tro cốt của vợ và con về quê an táng, anh Nguyễn Văn Cảnh (44 tuổi) nước mắt giàn giụa, nghẹn ngào chia sẻ: "Cuộc sống vốn đã khó khăn, nhà lại đông con dù cả 2 vợ chồng đã làm mọi việc, bươn chải nhiều nghề vẫn chỉ đủ chi tiêu tằn tiện. Khoản nợ 250 triệu đồng tiền vay mượn sắm thuyền đi biển vẫn chưa có để trả".
Cực chẳng đã, anh Cảnh đành phải để vợ con vào miền Nam làm thuê. Tháng 2/2021, chị Vuông cùng cháu Thanh (bỏ học từ năm lớp 2) quyết định khăn gói vào Bình Dương làm thuê trong 1 xưởng gỗ, với mong mỏi kiếm được tiền công sẽ gom góp để trả nợ dần. Còn anh Cảnh phải bán chiếc thuyền rồi tiếp tục đi làm thuê cho một chủ tàu ở địa phương lo cho 2 đứa con nhỏ (12 tuổi và 9 tuổi) đang gửi bà nội chăm sóc, ăn học.
Nếu chẳng có dịch COVID-19 xảy ra thì dù có nghèo, vất vả nhưng ngôi nhà nhỏ ấy vẫn ngập tiếng nói cười khi các thành viên trong gia đình gọi video cho nhau mỗi tối. Song thật trớ trêu, mẹ con chị Vuông mới nhận được 1 tháng lương thì dịch diễn biến phức tạp ở Bình Dương, mẹ con chị đành phải nghỉ làm, chỉ ở trong phòng trọ.
Anh Cảnh cho biết: "Tôi đi biển lúc có sóng, lúc không. Chớp lúc có sóng, tôi gọi điện hỏi thăm, động viên 2 mẹ con. Tiền ăn mấy tháng nay tôi nhờ gia đình em dâu gửi vào. 2 mẹ con bảo ở nhà yên tâm, chờ bớt dịch sẽ về nhà. Trước hôm về, cháu Thành có gọi bảo đang chuẩn bị về quê nhưng không nói rõ về bằng phương tiện gì.
Ngày 3/10, tàu vào cảng bán cá, nên có sóng điện thoại, tôi gọi cho cháu thì cháu bảo đang trên đường về. Cháu còn bảo trên đường hai mẹ con đi xe máy, có bị ngã xe, nhưng chỉ xây xước nhẹ, rồi sau đó đi tiếp. Đến chiều hôm sau (ngày 4/10), khi vợ gặp nạn, tôi không biết, vì lúc đó đang trên biển không có sóng điện thoại. Chiều tối 4/10 mới vô bờ thì nghe vợ con mất rồi", anh Thành khóc nghẹn.
Theo người thân, hoàn cảnh gia đình anh Cảnh hết sức khó khăn, khi chị và cháu mất, anh em nội ngoại đã gom góp tiền, vay mượn thêm để có đủ 80 triệu đồng vào Quảng Nam lo hậu sự, hỏa táng cho 2 mẹ con, sau đó mới đưa về quê.
Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết thêm: "Gia đình anh Cảnh thuộc diện khó khăn tại địa phương. Nhà có 4 đứa con (3 trai, 1 gái), con gái lớn đã lấy chồng, có con. Cháu Thành tử nạn là con thứ 2 trong gia đình. 2 cháu còn lại nhỏ đang đi học. Anh Cảnh đi làm thuê trên tàu đánh bắt quanh năm. Khi vợ con bị nạn, anh mới từ biển trở về.
Biết tin 2 mẹ con chị Vuông tử nạn trên đường về quê tránh dịch, lãnh đạo huyện, tỉnh, địa phương đã đến chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình. Do tình hình dịch phức tạp, chính quyền đã bàn bạc và gia đình thống nhất hỏa táng cho chị Vuông. Địa phương đã bố trí 1 chuyến xe vào Quảng Nam để đưa tro cốt 2 mẹ con về quê an táng theo phong tục địa phương".
Trước đó, khoảng 13h30 ngày 4/10, tại Km 1407+300 đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo (xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) chị Hà Thị Vuông (SN 1978) đang điều khiển xe máy chở theo con trai Nguyễn Văn Thành (SN 2005) trú tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa về quê tránh dịch thì va chạm giao thông với xe ô tô tải mang biển số 81C-138.35. Vụ tai nạn khiến hai mẹ con chị Vuông tử vong.
Tại chốt kiểm soát Khe nước lạnh, thị xã Nghi Sơn, những ngày qua các lực lượng chức năng của Thanh Hoá đã đón, hỗ trợ giúp đỡ hơn 6.000 công dân từ các tỉnh phía Nam hồi hương qua địa bàn tỉnh; trong đó có 885 công dân người Thanh Hóa.
Cùng với việc bố trí lực lượng, phương tiện đón, dẫn đường, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ, chia sẻ khó khăn cùng người dân, đảm bảo đáp ứng các nhu yếu phẩm phục vụ cho công dân khi dừng tại chốt kiểm soát. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã trao 1.000 suất quà (bánh mì, lương khô, nước khoáng) 1.500 khẩu trang N95, 3 thùng khẩu trang, 500 bộ đồ bảo hộ. Công ty TNHH Ngọc Sao Thuỷ hỗ trợ 100 triệu đồng tiền mặt, 3.000 hộp sữa, 3.000 chai nước và 50 thùng lương khô. Công ty cũng tặng 800 suất cơm để người dân tỉnh ngoài ăn tại chỗ và khi di chuyển trên đường. Hội LHPN tỉnh và Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa trao tặng 800 suất quà gồm đồ ăn nhanh, 30 thùng sữa, 40 thùng nước uống. Công ty Vaude Việt Nam tại thị xã Bỉm Sơn trao tặng trực trao gần 500 triệu đồng cho người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê.
Theo Ngọc Hưng (Giadinh.net.vn)