Dự án 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm được giao cho Công ty Đại Quang Minh theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng).
Hôm qua (15/11), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án.
"Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật", thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương thể hiện.
700 tỷ đồng/km đường ở Thủ Thiêm
Ông Tất Thành Cang được cho là đã vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao với Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỷ đồng.
Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho thành phố ký kết hợp đồng nói trên nhằm triển khai dự án được cho là vượt thẩm quyền. Bởi theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT, thành phố chỉ có thẩm quyền phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.
Hợp đồng ký tắt này giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đổi lại, công ty này được giao 79 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản.
Các tuyến đường này đặt ký hiệu R1 (đại lộ Vòng Cung), R2 (đường ven hồ trung tâm), R3 (đường ven sông Sài Gòn), R4 (đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư) có tổng chiều dài 11,9 km, với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng.
Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng.
Bán rẻ 32 ha đất không qua đấu giá
Ngoài ra, kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra sai phạm của ông Tất Thành Cang trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.
Cụ thể, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP HCM) đã bán hơn 320.000 m2 đất tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Khu đất này đã đền bù, thuộc Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), có vị trí đẹp ở cạnh sông Sài Gòn, nhưng giá chuyển nhượng chỉ rẻ bất thường ở mức 1,29 triệu đồng/m2.
Giao dịch này bị cho là thiếu minh bạch, bán cho tư nhân không qua đấu thầu, giá chuyển nhượng rẻ bèo hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Cụ thể, Công ty Tân Thuận chỉ thu về cho ngân sách số tiền hơn 419 tỷ đồng, trong khi có thể thu về hơn 2.000 tỷ đồng nếu bán theo giá thị trường.
Thời điểm khu đất nói trên được Công ty Tân Thuận bán, TP HCM còn trống vị trí Bí thư Thành ủy do ông Đinh La Thăng đã được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về TP HCM. Lúc này, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang điều hành Thành ủy TP HCM.
Thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Đề xuất dự án (Nghị định 108/2009) quy định:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Đề xuất Dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án có nhu cầu sử dụng đất từ 200 ha trở lên, Dự án có yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ và Dự án thuộc Nhóm A có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Đề xuất dự án còn lại thuộc các Nhóm A, B và C.
Theo Quốc Chiến (Soha/Trí Thức Trẻ)