Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến 4 tuyến đường 12.200 tỷ đồng

15/11/2018 22:51:51

Khi là Giám đốc Sở GTVT, ông Cang ký tắt hợp đồng BT đóng dấu "mật" với Công ty Đại Quang Minh làm 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm.

Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang chiều 15/11 bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận sai phạm "rất nghiêm trọng" trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án. Ngoài việc vi phạm khi ở vị trí đương nhiệm, ông Cang còn bị cho sai phạm trong thời gian là Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM.

Cụ thể, ông Cang đã vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến 4 tuyến đường 12.200 tỷ đồng
4 tuyến đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm còn dang dở. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo hồ sơ, ngày 1/12/2014, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Đào Thị Hương Lan và ông Trần Bá Dương ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường này. Tuy nhiên trước đó một năm, tháng 11/2013, Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với TP HCM và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2017. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang (Giám đốc Sở GTVT) đại diện UBND thành phố ký kết và được đóng dấu "mật".

Hợp đồng này thể hiện, dự án 4 tuyến đường "xương sườn" của Khu đô thị Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4 km); Đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3km); Đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3km); Đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5 km). Ngoài ra còn có 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn.

4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng - gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km) và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km). Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, suất đầu tư này "đắt khủng khiếp".

Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến 4 tuyến đường 12.200 tỷ đồng - 1
Chi phí làm đường của Đại Quang Minh lên đến 700 tỷ đồng một km. Ảnh: Quỳnh Trần.

TP HCM đổi 79 ha 'đất vàng' lấy 4 tuyến đường

Để thanh toán cho hợp đồng 12.200 tỷ, TP HCM trả cho Đại Quang Minh 79 ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị và khu dân cư - tương đương 15 triệu đồng một m2. Giá này được đánh giá là "rẻ mạt" bởi theo thị trường hiện nay đất ở đây có giá khoảng 400 triệu đồng/m2.

Trong đó, nhà đầu tư được xây dựng khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ, diện tích khai thác hơn 46 ha bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, hai trường học.

Đại Quang Minh cũng được giao 11 lô đất thuộc khu chức năng số 6 phía Bắc đường Mai Chí Thọ, với diện tích hơn 20 ha. Trong đó, diện tích đất khai thác khoảng gần 14 ha (bao gồm 4 ha diện tích bệnh viện).

Phương thức đổi đất lấy đường này được gọi là thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) bằng giao dự án khác được UBND thành phố đề nghị trong văn bản gửi Bộ Tài chính hồi cuối năm 2014.

UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính đồng ý để thành phố thực hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT theo các nguyên tắc: thành phố thanh toán dự án BT 4 tuyến đường bằng việc giao cùng thời điểm cho nhà đầu tư toàn bộ các khu đất, không phải chờ đến khi dự án 4 tuyến đường hoàn thành.

Trường hợp tổng mức đầu tư dự án các tuyến đường thấp hơn tổng giá trị các khu đất được giao, cho phép nhà đầu tư được nộp phần chênh lệch bằng việc bổ sung các dự án BT khác trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm như: cầu đi bộ, quảng trường trung tâm và công viên bờ sông.

Điểm mới trong phương thức đầu tư này là, việc giao đất cho nhà đầu tư sẽ tiến hành đồng thời với việc khởi công các tuyến đường mà không đợi đến khi việc xây dựng đường hoàn thành.

Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến 4 tuyến đường 12.200 tỷ đồng - 2
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Tất Thành Cang hai lần vượt thẩm quyền

Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho TP HCM ký kết với Đại Quang Minh làm dự án bị cho là không đúng thẩm quyền. Theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT, thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Liên quan đến 4 tuyến đường này, tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM hôm 9/5, cử tri ở Thủ Thiêm đã đề nghị đại biểu Quốc hội giám sát cơ quan chức năng, làm rõ việc TP HCM đã đầu tư 4 con đường "dát vàng" này. Các cử tri cũng đề nghị trung ương xem xét việc thành phố đổi đất cho chủ đầu tư Đại Quang Minh có hay không đúng pháp luật.

Kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra sai phạm của ông Tất Thành Cang trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.

Ông Cang đã đồng ý chủ trương cho Công ty Tân Thuận (100% vốn của Văn phòng Thành uỷ) chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Đây là khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn được bán giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu theo thị trường có thể thu về hơn 2.000 tỷ đồng.

"Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật", thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương nêu.

Theo Thiên Ngôn (VnExpress.net)