Khi ấy, đập vào mắt tôi là thi hài Hơ Lão Tú trói nằm trên chiếc cáng tre treo ở vách gian giữa của ngôi nhà tuềnh toàng và đang bị phân hủy. Người đến viếng Hơ Lão Tú mang đến một âu cơm và một con gà luộc đặt trên bàn thờ để thầy cúng làm lễ.
|
Người Mông treo người chết vách nhà, thờ cúng 5-7 ngày mới đem đi chôn cất - Ảnh do ông Lâu Minh Pó cung cấp |
Trong tiếng khèn Mông da diết cùng với tiếng lầm rầm của gia đình tang chủ, thầy cúng đi tới đi lui khấn vái, báo danh tính người đến viếng, rồi nhón một miếng cơm nhỏ chấm vào miệng người chết đã thâm đen và bắt đầu biến dạng.
Hơ Lão Tú có gần chục người con, nên khi ông mất, các con ông, mỗi người đều làm thịt một con trâu mộng cúng ma cho cha, chưa kể hàng chục con heo, hàng trăm con gà của anh em họ hàng và người dân ở các bản Mông giết thịt mang đến cúng viếng.
Viếng xong, chúng tôi trở ra trung tâm xã Pù Nhi để... chờ đến ngày quay trở vào đưa tiễn Hơ Lão Tú về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau 7 ngày, khi thi hài Hơ Lão Tú đã trương lên và rỉ nước, người thân trong gia đình mới tìm đất chôn cất trên một sườn núi. Đám thanh niên trong bản hạ một cây gỗ lớn, lấy một đoạn dài 2 m, bỏ đi phần lõi làm quan tài rồi đặt sẵn dưới huyệt.
Cách huyệt chừng 100 m, người ta dựng một lán bằng tre, nứa với dăm tàu lá kè, lá cọ che chắn sơ sài làm nơi đặt thi hài Hơ Lão Tú làm lễ phơi xác, tắm nắng lần cuối. Con cháu và anh em trong họ dắt theo trâu bò ra chỗ chòi canh giết thịt để cúng Giàng, cúng thần linh, thổ địa rồi ăn uống linh đình ngay tại chỗ. Sau độ nửa ngày, thi hài người quá cố mới được mang khâm liệm vào chiếc quan tài dưới huyệt làm lễ chôn cất.
Người kiên trì xóa bỏ hủ tục
Là người dân tộc Mông nhưng ông Lâu Minh Pó, Phó bí thư Huyện ủy Mường Lát luôn ý thức được những tập tục lạc hậu của đồng bào mình, trong đó có hủ tục làm tang ma đang là lực cản lớn để người Mông vươn lên thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu.
Vì vậy, từ khi còn là anh cán bộ mới ra trường cho đến khi làm đến chức Phó bí thư Huyện ủy Mường Lát, lúc nào ông Pó cũng đau đáu nỗi niềm muốn giúp đồng bào Mông từ bỏ những hủ tục để xây dựng đời sống mới văn minh.
“Nhiều năm trời, tôi phải nhờ người tìm tài liệu về lịch sử của người Mông, phong tục chôn cất người chết từ cổ xưa để thuyết phục các già làng, trưởng bản nhưng vẫn không được. Bà con “lý luận”, với người Mông nếu sai về pháp luật thì có pháp luật trị, còn sai về phong tục thì cả dòng họ sẽ bị Giàng quở phạt, bị ma rừng, ma núi bắt đi, nên không thể bỏ được”, ông Pó kể.
|
Phải rất cố gắng, ông Lâu Minh Pó mới thuyết phục được người dân đưa người chết vào quan tài - Ảnh do ông Lâu Minh Pó cung cấp |
Một ngày cuối tháng 5.2014, nhận tin báo người chú ruột của mình là ông Lâu Chứ Dơ ở bản Pa Đén (xã Nhi Sơn) khuất núi, ông Pó gọi mấy người anh em họ hàng đang làm việc ở TT.Mường Lát đến bàn lo tang ma cho chú. Ông Pó thuyết phục mọi người về bàn với họ hàng đóng quan tài để khâm liệm chú trước khi làm tang lễ với mong muốn thông qua việc làm này, để thuyết phục đồng bào mình thay đổi tập quán, xóa bỏ hủ tục tang ma đã đeo đẳng từ bao đời nay.
Khi ông Pó về đến bản thì cũng là lúc mọi người đang chuẩn bị cáng tre treo thi hài ông Dơ lên vách nhà. Ông Pó đề nghị mọi người đóng quan tài để khâm liệm chú trước khi làm tang. Cả họ nhao nhao phản đối. Bố đẻ của ông Pó là ông Lâu Chơ Dia là người phản đối quyết liệt nhất.
Ông Dia hết chạy vào nhà, rồi lại chạy ra sân, giơ hai tay lên trời kêu than: “Ới Giàng ơi, thằng Pó nó là đứa bất hiếu với tổ tiên. Nó đi ngược lại với phong tục của người Mông ta. Nó muốn cả dòng họ Lâu nhà ta bị con ma rừng, ma núi bắt đi hết, để một mình nó được thăng quan tiến chức. Rồi mày cũng bị Giàng trừng phạt thôi Pó ơi…!”.
Lấy tư cách là cháu trưởng trong nhà, ông Pó buộc các thành viên trọng họ phải chấp nhận khâm liệm xác chú ruột vào quan tài, sau đó mới đặt quan tài lên cáng tre treo lên vách.
“Lúc ấy, mọi việc trong nhà rối tinh hết cả lên. Cũng may, mấy chú em mà tôi bàn bạc trước góp thêm ý kiến, không khí cũng bớt căng thẳng. Thấy không yên tâm, tôi xin những người ủng hộ mình ở lại giúp đỡ tang chủ, rồi mời những người phản đối rời khỏi đám để tránh bàn ra tán vào. Nhiều người tức giận bỏ về, bày lời đồn thổi 3 tháng nữa tôi và mấy người trong họ sẽ bị chết vì dám đi ngược lại với phong tục mà tổ tiên để lại. May mà đến giờ qua một năm, tôi vẫn chưa chết. Lời đồn thổi giờ cũng không còn lan truyền nữa”, ông Pó nhớ lại.
Thuyết phục được dòng họ đưa xác chú ruột vào liệm trong quan tài, ông Pó lại phải kiên trì vận động họ hàng không đồng loạt mổ trâu bò, mà chỉ giết thịt một con lợn khoảng 80 kg với dăm con gà để làm tang ma cho chú. Mặc dù muốn tổ chức chôn cất chú trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhưng do trong họ lại tiếp tục phản đối, nên ông Pó đành nhượng bộ, nhưng cũng chỉ đồng ý để quan tài chú ruột trong nhà đến ngày thứ 3 rồi mang đi chôn cất.
“Từ sau đám tang ấy, bố tôi giận tôi ra mặt. Chiều nào tôi cũng tranh thủ về nhà tìm cách làm lành với cụ, nhưng cũng phải qua dăm tháng, cộng với trong họ không xảy ra sự cố gì, nên cụ cũng tạm nguôi ngoai”, ông Pó nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Pó cho biết: kể từ sau đám tang của ông Dơ đến nay cả H.Mường Lát đã có 5 đám tang người Mông chấp nhận khâm liệm xác người chết vào quan tài. Tuy nhiên cuộc vận động bà con còn rất khó khăn.
“Để vận động những gia đình này liệm người chết vào quan tài, tôi và anh em cán bộ trong Ban Dân tộc và các ban ngành, đoàn thể đã phải xuống tận nơi, mang chuyện tổ chức đám tang của ông chú ra kể để thuyết phục, nhưng đa số bà con vẫn chưa chấp thuận”, ông Pó nói.
Theo Ngọc Minh (Thanh Niên Online)