Hà Nội yêu cầu các quận kiểm soát chặt vật liệu lát mới vỉa hè

11/04/2019 08:50:46

Thành phố yêu cầu các quận lập đoàn kiểm tra từng khâu, từng dự án để đảm bảo lát mới vỉa hè đúng quy định.

Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã "thực hiện nghiêm túc, chịu hoàn toàn trách nhiệm" về dự án lát đá vỉa hè trên địa bàn.

Theo đó, thành phố yêu cầu từng đơn vị kiểm soát chặt chẽ vật liệu lát hè, chỉ đạo các bên liên quan tuân thủ đúng yêu cầu về quy trình thi công, nghiệm thu; đối với vật liệu lát vỉa hè đã qua sử dụng nhưng còn đảm bảo chất lượng, phải có phương án sử dụng lại ở vị trí phù hợp.

"Các quận lập đoàn kiểm tra từng khâu, từng dự án để đảm bảo việc triển khai đúng quy định", lãnh đạo thành phố nêu rõ.

Hà Nội yêu cầu các quận kiểm soát chặt vật liệu lát mới vỉa hè
Vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng nham nhở nhiều loại vật liệu. Ảnh: Gia Chính

Đây là văn bản thứ 2 của Hà Nội kể từ cuối tháng 3 liên quan đến nội dung trên. Trước đó trong quyết định "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn", Hà Nội đã tổng hợp đề xuất của 15 quận, huyện, thị xã và đưa ra danh sách gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: Đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.

Cả hai văn bản này đều nhấn mạnh các quận chỉ được làm mới vỉa hè những tuyến phố đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã đầu tư đồng bộ, ổn định hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng...); các trường hợp còn lại tiến hành chỉnh trang để tránh lãng phí.

Trong danh sách nêu trên, quận Đống Đa có 73 tuyến phố với tổng chiều dài 56 km. Qua khảo sát cho thấy đa số tuyến phố ở quận này được lát vỉa hè bằng gạch block; riêng phố Tôn Đức Thắng được lát mới bằng đá tự nhiên vào năm 2017 với kinh phí hơn 23 tỉ đồng.

Theo mẫu thiết kế mới, 24 phố ở quận Đống Đa được đề xuất lát lại bằng đá tự nhiên; 44 phố dùng gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; 4 phố được lát bằng gạch block.

Trả lời câu hỏi căn cứ nào để quận lát vật liệu khác nhau cho các tuyến phố, ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng quản lý đô thị quận Đống Đa nói: "Những tuyến giao thông chính, có giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch sẽ được lát bằng đá tự nhiên nhằm đảm bảo mỹ quan cũng như độ bền, còn lại sử dụng vật liệu khác; 4 khu vực lát gạch block đều là các tuyến phố nhỏ".

Ngoài ra, theo ông Tuấn việc lựa chọn các loại vật liệu khác nhau cũng là phương án để đảm bảo tạo cảnh quan đường phố mà không gây áp lực lên ngân sách, phù hợp với từng tính chất từng nơi.

Trong năm 2019, Phòng quản lý đô thị đề xuất UBND quận Đống Đa chọn 2 tuyến hè phố có nhiều điểm xuống cấp là Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Khuyến để lát mới vỉa hè bằng đá tự nhiên; các tuyến còn lại tùy tình hình thực tế sẽ có phương án cụ thể trong những năm tiếp theo.

Hà Nội yêu cầu các quận kiểm soát chặt vật liệu lát mới vỉa hè - 1
Công nhân lát vỉa hè trên phố Trích Sài. Ảnh: Gia Chính

"Chỉ những khu vực thực sự xuống cấp chúng tôi mới chọn để lát mới. Trước khi phê duyệt, các sở liên quan đều cử cán bộ xuống kiểm tra trực tiếp, quận cũng tiến hành các bước theo đúng quy trình thành phố yêu cầu", ông Tuấn nói thêm

Quận Tây Hồ đang triển khai lát vỉa hè trên phố Trích Sài dọc hồ Tây, với chiều dài 1,9 km, diện tích lát hè 12.000 m2; bắt đầu từ tháng 3 và thi công trong 120 ngày. Mỗi ngày hơn 30 công nhân chia làm nhiều nhóm bóc lớp gạch blok ở vỉa hè cũ để thay bằng vật liệu mới.    

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó ban quản lý hồ Tây cho biết đơn vị này chọn vật liệu là gạch bê tông vân đá sau khi nghiên cứu việc lát vỉa hè của quận Cầu Giấy

"Hồ Tây là địa bàn phát triển du lịch; tuyến đường quanh hồ lưu lượng giao thông ngày càng nhiều; khu vực gần hồ độ ẩm cao... đó là những lý do để quận quyết định chọn gạch bê tông vân đá lát", ông Tuấn nói.

Hà Nội yêu cầu các quận kiểm soát chặt vật liệu lát mới vỉa hè - 2
Gạch bê tông vân đá dùng ở phố Trần Đăng Ninh được nhập từ nhà máy ở Hưng Yên. Ảnh: Gia Chính

Theo Phó ban quản lý hồ Tây, "qua nghiên cứu cho thấy gạch bê tông vân đá có thể đảm bảo độ bền vài chục năm, hơn nữa dùng vật liệu này giá thành thấp hơn lát đá tự nhiên".

Quận Tây Hồ đã giao Phòng quản lý đô thị theo dõi chặt chẽ toàn diện dự án. Cùng với đó, khi khởi công lát mới vỉa hè, đoàn thể và nhân dân khu vực có dự án được mời cử người tham gia giám sát.

Cuối năm 2016, một số quận nội thành Hà Nội cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng... Mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát nhiều vị trí.

Đến cuối năm 2017, lãnh đạo thành phố chỉ đạo tạm dừng các dự án để rà soát, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Thông báo kết luận thanh tra vào tháng 2/2018 nêu, trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất dẫn đến các dự án sử dụng kích thước đá khác nhau, ảnh hưởng chất lượng; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè có lát đá; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế là 40 cm.

Sau hơn một năm tạm dừng cải tạo vỉa hè, quyết định "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn" được Hà Nội ban hành vào cuối tháng 3/2019 là cơ sở để chính quyền cấp quận tái khởi động việc này. 

Theo Võ Hải - Gia Chính (VnExpress.net)

Nổi bật