Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn cầu vượt Mai Dịch - cầu Thăng Long hiện đang thi công. Ghi nhận của PV cho thấy, vỉa hè đoạn công viên Hòa Bình đang được thi công lát đá tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều viên đã tại đây chưa lát vỉa hè đã bị vỡ, nứt được xếp, vứt đống rải rác dọc tuyến đường dài hàng trăm mét.
Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người dân lo ngại nếu đơn vị thi công lát “loại” đá vỡ, sứt này có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Thắng - Trưởng Tư vấn dự án khẳng định: “Đó là đá thải loại đang trong quá trình chờ chuyển đi”.
Ông Thắng cho hay, toàn bộ Dự án chỉ có 400m vỉa hè bên phải tuyến, đoạn qua công viên Hòa Bình được lát đá tự nhiên để hài hòa với cảnh quan khu vực. Tất cả đá sử dụng để lát hè đều phải đảm bảo lành lặn, đúng kích thước, màu sắc. Công trình chỉ được nghiêm thu khi đã hoàn thành nên không có một viên đá sứt mẻ nào có thể qua được khâu nghiệm thu cuối cùng.
Nói về số đá bị nứt, vỡ, ông Lâm Ngọc Chi - Phó ban chỉ đạo gói thầu số 2, Dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp (Nhà thầu thi công là Tổng công ty đầu tư & phát triển hạ tầng đô thị - UDIC), cho hay, số đá sứt, vỡ này là do trong quá trình vận chuyển hoặc bốc xếp bị va đập mạnh. Toàn bộ đá hỏng sẽ do nhà sản xuất thu lại, tự trả chi phí vận chuyển về nơi sản xuất ở Thanh Hóa.
“Đá do nhà sản xuất vận chuyển đến, bàn giao, chúng tôi chỉ nhận khi đã được hạ xuống nền đất công trình, và chỉ nhận đá lành. Tôi khẳng định không có chuyện dùng đá hỏng để lát vỉa hè, và toàn bộ chi phí vận chuyển, gửi trả không hề tính vào chi phí đầu tư công trình” - ông Chi nói.
Được biết, đoạn vỉa hè lát đá tự nhiên tại Dự án đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn qua công viên Hòa Bình có diện tích 2.400m2, dài 400m, rộng 6m. Đá lát dày 5cm, kích thước 30 x 30cm. Các đoạn vỉa hè khác sẽ được lát gạch bê tông giả đá.
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng) là tiểu dự án thuộc Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nội Bài. Dự án được khởi công vào tháng 10.2016, với chiều dài tuyến là 5,5 km, mặt cắt ngang được mở rộng từ 56 lên 93 m, mỗi bên sáu làn xe cơ giới.Tổng mức đầu tư của dự án là 3.110 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 820 tỷ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng là 1.820 tỷ đồng.
Tuyến đường sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt, mỗi bên 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), theo tiêu chuẩn tuyến đường đô thị chính cấp I. Riêng đoạn trước Khu đô thị Ciputra kết hợp với đường 30m, 2 làn xe hỗn hợp, 2 làn xe cơ giới. Ngoài ra, dự án còn đầu tư 5 cầu đi bộ.
Theo H.Thành (Dân Việt)