Nhiều chuyển biến tích cực
Những con số thống kê cho thấy, sau 45 ngày thực hiện Nghị định 168 (từ 1/1 đến 15/2), các lỗi vi phạm, tai nạn giao thông đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của đại đa số người tham gia giao thông cũng đã có sự chuyển biến tích cực.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, toàn thành phố xử lý 24.080 trường hợp vi phạm, so với thời gian trước liền kề (45 ngày trước - với 42.240 trường hợp) giảm 18.160 trường hợp.
Trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn 5.800 trường hợp (giảm 3.387 trường hợp so với thời gian liền trước); vi phạm tốc độ 1.722 trường hợp, quá tải 838 trường hợp, vượt đèn đỏ 665 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 7.417 trường hợp…
Như vậy, sau 45 ngày thực hiện Nghị định 168 của Chính phủ, vi phạm giao thông ở Hà Nội đã ghi nhận mức giảm khoảng 50%.
Trong tháng vừa qua (từ 15-1 đến 15-2), toàn thành phố đã xử lý 12.797 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 4.111 trường hợp; tước 483 giấy phép lái xe, trừ điểm 1.530 giấy phép lái xe; vi phạm nồng độ cồn 3.328 trường hợp; vi phạm tốc độ 990 trường hợp, xử lý xe quá tải 290 trường hợp; vượt đèn đỏ 258 trường hợp, vi phạm mũ bảo hiểm 3.854 trường hợp, xử lý xe dừng đỗ 1.703 trường hợp.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều tuyến đường và nút giao thông, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ sai quy định giảm rõ rệt.
Những con số ấn tượng trên đã nói lên chuyển biến tích cực khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định trên báo Hà Nội mới : "Những chuyển biến tích cực như người dân tự giác dừng chờ đèn đỏ dù không có lực lượng chức năng ứng trực trên đường phố, gần như không còn tình trạng không nhường đường, đi sai làn...".
Trên báo Tuổi trẻ , Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an đánh giá về kết quả sau hơn một tháng triển khai thực hiện nghị định số 168 của Chính phủ: "Có thể thấy đây là những chỉ số rất tích cực. Bước đầu người dân đã tham gia giao thông trong môi trường trật tự hơn, an toàn hơn, dần hình thành văn hóa giao thông lành mạnh, văn minh hơn".
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Đó là tinh thần của các Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an các tỉnh khi triển khai Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (Nghị định 168) có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.
Với tinh thần chủ động của lực lượng CSGT và quyết tâm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Sau 45 ngày thực hiện, phần lớn người dân đều nhận thấy việc quy định xử phạt đã dần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Trên báo Quảng Bình , anh Cao Ngọc Trung Hiếu ở xã Trung Hóa (Minh Hóa) bày tỏ sự đồng tình đối với những điểm mới của Nghị định 168: "Nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt mới cao hơn nhiều so với quy định cũ, theo tôi sẽ có tác dụng răn đe để lập lại TTATGT, nhất là khi tai nạn giao thông đã gây ra nhiều hậu quả rất nặng nề.
Anh Nguyễn Thành Trung ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), chia sẻ trên báo Đại biểu nhân dân: "Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, tôi nhận thấy việc ra đời của nghị định này rất đúng, tạo sức răn đe để người tham gia giao thông chấp hành luật tốt hơn. Thời gian qua, tôi tham gia giao thông cẩn thận hơn trước rất nhiều, bởi mức xử phạt rất nặng, nếu không may bị vướng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế gia đình".
Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm và quyết liệt, đúng theo tinh thần của Nghị định 168.
Ngày 5-1, trong cao điểm tuần tra, Đội CSGT - Trật tự Công an quận 12 (TP.HCM) đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm đối với tài xế và chủ xe tải có hành vi chở quá tải trọng cho phép, tổng mức phạt gần 200 triệu đồng. Cụ thể, căn cứ theo Nghị định 168/2024, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành vi chở quá tải trọng trên đường cho phép tải trọng 10 tấn, mức phạt 45 triệu đồng đối với tài xế và 140 triệu đồng đối với chủ xe (doanh nghiệp). Ngoài ra, hành vi chở quá tải trọng của xe bị phạt thêm 3,9 triệu đồng đối với tài xế và 10 triệu đồng đối với chủ xe. Tổng số tiền phạt là 198,9 triệu đồng.
Ngày 5/2, theo báo Lâm Đồng, một phụ nữ 34 tuổi, trú tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà đã bị cơ quan chức năng xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng do lái ô tô khi có nồng độ cồn trong hơi thở.
Ngày 30-1, xe ô tô biển số 14C-366.XX đi ngược chiều ở làn 120km/h cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đoạn Km104. Với vi phạm trên, người này sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe, theo quy định tại Nghị định 168/2024.
Với lỗi lái ô tô đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, một nữ tài xế bị phạt 35 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Ngày 15/2, cũng trên tuyến cao tốc này, tài xế lái Trần Sơn D. (SN 1981, trú tại TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) lái xe ô tô khách BKS 25F-002.xx đi ngược chiều cũng bị phạt 35 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Trường hợp tài xế ô tô dùng băng dính để che biển số cũng được xử lý nghiêm theo Nghị định 168. Cụ thể, như trường hợp tài xế xe Hyundai biển số 30F-282.73 đã dùng băng dính che số 8 trên biển số và sửa chữ F thành chữ E để tránh bị xử phạt nguội. Theo quy định tại Nghị định 168/2024, hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 20-26 triệu đồng và trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.
Sự an toàn của người dân là trên hết
Sau hơn 1 tháng thực thi, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ được đánh giá là một trong những nghị định đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất. Ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân được nâng lên, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông cũng giảm mạnh.
Thời gian đầu thực thi Nghị định 168/2024, đã có nhiều dư luận xã hội khác nhau. Đa phần ủng hộ pháp luật phải nghiêm để bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn do mức phạt khá cao.
Tuy nhiên, kết quả thực tế là minh chứng rõ nét nhất cho tính đúng đắn của Nghị định 168. Bên cạnh những con số biết nói về trật tự an toàn giao thông thì việc chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực, rõ rệt.
Báo Pháp luật TP.HCM nhận định: "Với với những người luôn ý thức chấp hành Luật Trật tự an toàn giao thông thì cho dù mức phạt có tăng lên bao nhiêu lần thì họ cũng luôn ủng hộ; Bởi họ hiểu rằng Nghị định này đang bảo vệ bản thân tránh được những vụ tai nạn "oan ức" gây ra bởi một bộ phận người còn thiếu ý thức chấp hành...Nghị định số 168 cũng giống như "liều Vaccine" đủ mạnh, tạo sức răn đe đối với trường hợp cố tình vi phạm, coi thường luật pháp".
Rõ ràng, Nghị định 168 không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, là dấu hiệu phản ánh sự văn minh trong xã hội thượng tôn pháp luật.
Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, sự thay đổi trong ý thức chấp hành luật giao thông cho thấy, khi luật pháp nghiêm minh và thực thi đồng bộ có thể cải thiện rõ rệt hành vi của người dân.
"Mức độ răn đe đủ lớn giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ việc tuân thủ pháp luật không chỉ bảo vệ chính mình mà còn góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh; góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước", TS. Lương Thanh Duy nhấn mạnh trên báo Quân đội Nhân dân.
Có thể thấy rằng, chế tài của Nghị định 168 cần đủ mạnh để răn đe, thực thi nghiêm minh các quy định của lực lượng chức năng, và mục tiêu cuối cùng cũng vì sự an toàn, bình yên của người tham gia giao thông là trên hết, do đó, không có lý do gì người dân không đồng tình ủng hộ những quy định mới của nghị định này.
Theo Bích Câu (Thanh Niên Việt)