Tác động rõ rệt từ chính sách tài khóa linh hoạt
Được triển khai từ năm 2022, chính sách giảm 2% thuế VAT đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Riêng trong năm 2022, chính sách này đã hỗ trợ nền kinh tế với giá trị khoảng 51.400 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào mức tăng gần 20% của tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng so với năm 2021. Đến năm 2023, con số hỗ trợ là 23.400 tỷ đồng, tiếp tục giúp mức tiêu dùng tăng gần 10%. Năm 2024, mức hỗ trợ tăng vọt lên 49.000 tỷ đồng, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP đạt 7,09%, kiểm soát lạm phát ổn định ở mức 3,63% và đạt thặng dư thương mại ấn tượng hơn 24 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2025, chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả với 8.300 tỷ đồng tiền thuế VAT được giảm, thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.137,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, cán cân thương mại vẫn giữ vững trạng thái xuất siêu với giá trị ước đạt 1,47 tỷ USD.
Từ những kết quả tích cực đó, Chính phủ tiếp tục đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế VAT thêm 1,5 năm, từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026. Dự thảo Nghị quyết dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 17/6 tới nêu rõ: mức thuế suất VAT sẽ tiếp tục được giảm 2% cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện áp dụng mức 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng).
Đặc biệt, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế VAT sang các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trực tiếp như: sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm hỗ trợ sản xuất và kích thích tiêu dùng nội địa.
Chính sách linh hoạt, hỗ trợ đúng trọng tâm
Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, Nguyễn Văn Được nhận định, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thu nhập người dân chưa phục hồi hoàn toàn thì việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT là một lựa chọn hợp lý. “VAT là thuế gián thu nên giảm thuế VAT sẽ trực tiếp giảm giá bán hàng hóa, giúp người tiêu dùng mua được nhiều hơn, từ đó DN cũng bán được nhiều hơn và tái đầu tư sản xuất”, Nguyễn Văn Được phân tích. Về các nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện giảm thuế, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, đây là quyết định đúng đắn nhằm bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng cần hỗ trợ, đồng thời duy trì nguồn thu ổn định từ các lĩnh vực có sức tăng trưởng tốt.
Thảo luận tại tổ ngày 21/5, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự nhất trí cao với chủ trương kéo dài chính sách giảm thuế. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đánh giá: “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giảm thuế VAT là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và giữ ổn định vĩ mô”. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ về tác động tới ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu ngân sách sẽ giảm hơn 121.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025–2026 do áp dụng chính sách này. Do đó, để bảo đảm tính bền vững, đại biểu đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý thu hiệu quả như ứng dụng công nghệ số, AI, khai thác dữ liệu lớn, cải cách thủ tục hành chính và mở rộng hóa đơn điện tử.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) và Lê Minh Nam (Hậu Giang) đều bày tỏ sự ủng hộ cao với thời gian áp dụng chính sách từ giữa năm 2025 đến hết năm 2026. Đây là thời gian đủ dài để DN có thể xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tạo tâm thế chủ động và ổn định hơn so với các giai đoạn hỗ trợ ngắn hạn trước đây. Tuy nhiên, để chính sách đạt hiệu quả thực chất, các đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế đánh giá định kỳ và khả năng điều chỉnh linh hoạt trong trường hợp có biến động bất thường như thiên tai, dịch bệnh hoặc rủi ro toàn cầu. Đồng thời, cần chú trọng đơn giản hóa quy trình kê khai, hoàn thuế và tăng cường hỗ trợ nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và hợp tác xã để họ thực sự tiếp cận và hấp thụ được chính sách.
Việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến năm 2026 không đơn thuần là một biện pháp cứu trợ ngắn hạn, mà là một lựa chọn chiến lược. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đặt ra ở mức 8%, và nền tảng cho giai đoạn 2026–2030 là tăng trưởng hai con số, chính sách này được kỳ vọng sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giải pháp kích cầu, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Giảm thuế VAT, nếu được triển khai hiệu quả, đồng bộ và minh bạch, sẽ tiếp tục là công cụ tài khóa quan trọng giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn và vươn tới những cột mốc tăng trưởng mới.
Việc tiếp tục giảm thuế VAT là biểu hiện rõ ràng của một chính sách tài khóa chủ động và linh hoạt, hướng tới mục tiêu kích cầu và hỗ trợ phục hồi kinh tế. “Giảm thuế VAT không chỉ giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ mà còn tạo điều kiện cho người dân chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất và tạo thêm việc làm cho xã hội.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long
Theo Nguyễn Đăng (Pháp luật & Xã hội)