Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy-3C như thế nào?

18/03/2021 21:03:05

Trong 5 năm qua, TP Hà Nội sử dụng thường xuyên chế phẩm độc quyền Redoxy-3C ở 91 hồ nội thành, nhiều hồ được phun 6 tháng một lần.

Bộ Công an hôm qua (17/3) cho biết đã khởi tố ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, với cáo buộc liên quan sai phạm khi mua chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ ô nhiễm.

Đây là chế phẩm được TP Hà Nội sử dụng từ năm 2016 theo quyết định phê duyệt phương án đặt hàng xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố, bao gồm kinh phí mua chế phẩm Redoxy-3C của Đức. Thời gian sử dụng chế phẩm kéo dài đến giữa năm 2020, trong đó ước tính từ năm 2016 đến quý I/2019, Công ty thoát nước Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty thương mại dịch vụ Arktic (đơn vị trung gian phân phối) mua hơn 403 tấn Redoxy-3C, tổng giá trị 137 tỷ đồng; xử lý ô nhiễm 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành theo quy trình tạm thời được Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận.

Ngoài ra, chế phẩm này còn được sử dụng cho một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND thành phố, như xử lý sự cố cá chết Hồ Tây, nước rỉ rác tại khu Xuân Sơn... Quá trình sử dụng có sự giám sát của một số cơ quan chức năng thuộc UBND thành phố.

Sáng 18/3, đại diện Công ty thoát nước Hà Nội thông tin, việc dừng sử dụng Redoxy-3C trong 6 tháng qua là "để phục vụ điều tra" và hiện số lượng chế phẩm còn lại trong kho "không đáng kể".

Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy-3C như thế nào?
Hồ Ba Mẫu sáng 18/3, sau nhiều tháng không sử dụng chế phẩm làm sạch, màu nước xanh trong, mặt hồ không có rác và ít mùi hôi. Ảnh: Phương Sơn

Trong 5 năm sử dụng Redoxy-3C, Hà Nội đã trải qua hai giai đoạn thử nghiệm và sử dụng chính thức chế phẩm này. Trong đó, vào tháng 7/2016, Redoxy-3C lần đầu được giới thiệu đến công chúng và giao cho Công ty thoát nước Hà Nội thử nghiệm. Cuối tháng 7, những thùng chế phẩm dạng hột nhỏ màu trắng đầu tiên hòa lẫn nước, phun xuống hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu.

Theo giới thiệu của đại diện Công ty thoát nước Hà Nội và một số chuyên gia lúc đó, loại chế phẩm này sẽ cung cấp oxy cho nước nhanh, khiến các chỉ số pH kiềm giảm, thông số thủy lý hoá không vượt ngưỡng, vì vậy "sau sáu hoặc chín tháng mới phải xử lý lại nước hồ một lần, thay vì phải xử lý thường xuyên theo phương pháp truyền thống".

Hai tháng sau khi bắt đầu thử nghiệm, ngày 19/9/2016, Công ty thoát nước Hà Nội họp báo công bố việc làm sạch một số hồ trên địa bàn bằng Redoxy-3C. Lúc đó, lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội khẳng định quá trình thử nghiệm tại hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu "cho kết quả khả quan".

Tại hồ Ba Mẫu sáng nay, nam nhân viên Công ty thoát nước Hà Nội (làm nhiệm vụ trực, thu gom rác, điều chỉnh mực nước hồ Ba Mẫu) cho hay, "từ giữa năm ngoái, tôi không thấy ai mang Redoxy-3C đến hồ để phun nữa. Còn trước đó cứ 6 tháng một lần, các hồ Giáp Bát, Hố Mẻ và Ba Mẫu lại được làm sạch bằng loại hóa chất này".

Sau 6 tháng không sử dụng chế phẩm, mặt nước hồ Ba Mẫu màu xanh, bốc mùi tanh nhẹ. Giữa hồ lắp đặt 5 bè thủy sinh và gần chục vòi phun nước, sục khí. Nhiều người dân câu cá, tập thể dục và ngồi vãn cảnh quanh hồ.

Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy-3C như thế nào? - 1
Công nhân Công ty thoát nước Hà Nội phun, sục chế phẩm để làm sạch hồ Ba Mẫu giữa năm 2019. Ảnh: Phương Sơn

Cuối tháng 9/2016, Công ty thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty thương mại dịch vụ Arktic mua đơn hàng đầu tiên 3,24 tấn, với giá 326.000 đồng một kg, vận chuyển theo đường hàng không về Hà Nội.

Đến tháng 3/2018, tại hội nghị sơ kết việc thử nghiệm Redoxy – 3C, lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, hàng chục hồ trên địa bàn đã được sử dụng chế phẩm và đều "không ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh, trong khi đó hàm lượng chất hữu cơ sau xử lý xu hướng tăng lên". Hơn nữa, việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm này "đơn giản, nhanh gọn, ít nhân công, kinh phí duy trì thấp hơn...".

Công ty đã xin ý kiến lãnh đạo thành phố để trong năm 2018, 2019 có kinh phí tiếp tục dùng chế phẩm Redoxy – 3C làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm và hơn 100 hồ khác ở nội, ngoại thành.

Giữa tháng 5/2019, trước nhiều nghi vấn hiệu quả và việc mua bán chế phẩm không minh bạch, Công ty thoát nước đã mời các chuyên gia và báo chí đến hồ Ba Mẫu để trực tiếp trải nghiệm, khảo sát kết quả đo chất lượng nước hồ ngay sau khi phun Redoxy – 3C. Sau đó đơn vị này tái khẳng định chế phẩm mang đến "hiệu quả tốt".

Tuy nhiên, vài ngày sau, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao thanh tra thành phố chủ trì thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C.

Tại phiên họp HĐND thành phố tháng 11/2019, ông Chung cho hay "Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, công ty sản xuất có 43 năm kinh nghiệm".

"Chúng ta đã xử lý được hơn 80/122 hồ, hoàn toàn hết mùi, điều từ trước đến nay không làm được, không có công nghệ nào xử lý chưa đến 6.000 đồng/m3 và duy trì chưa đến 2.000 đồng/m3 như vậy", ông Chung nói.

Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy-3C như thế nào? - 2
Giữa năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung và ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước (ngoài cùng bên phải) khảo sát bể cá cảnh ở khuôn viên trụ sở UBND TP để thử nghiệm làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Ảnh: Sơn Dương

Ngày 12/2/2020, tám tháng kể từ khi vào cuộc, Thanh tra Hà Nội công bố kết luận việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, chỉ ra nhiều "thiếu sót" trong việc mua, quản lý, sử dụng hóa chất; trách nhiệm của lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, Sở Tài chính và Sở Xây dựng...

Thời gian qua, sau khi không sử dụng chế phẩm, Công ty thoát nước Hà Nội tiếp tục bố trí nhân lực làm sạch các hồ bằng nhiều giải pháp, như sử dụng máy phun nước, lắp bè thủy sinh và dọn dẹp, ngăn rác thải từ các cống và trên mặt hồ...

"Với các giải pháp trên, hiện nay là mùa khô nên tạm thời các hồ khá tĩnh và sạch không có mùi. Tuy nhiên đến mùa mưa và mùa hè, có thể chất lượng nước sẽ thay đổi, thậm chí bốc mùi", đại diện Công ty thoát nước nói.

Hà Nội thử nghiệm chế phẩm đặc biệt 'giải cứu' hồ ô nhiễm Công ty Thoát nước Hà Nội mua Redoxy-3C như thế nào? Hà Nội thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng Redoxy3C Người dân thư giãn quanh khu vực hồ Ba Mẫu sau khi làm sạch Hà Nội 'giải cứu' 130 hồ nước ô nhiễm bằng chế phẩm độc quyền

Theo Phương Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật